Ngân hàng ngoại vươn sang doanh nghiệp nội
Doanh nghiệp đi đâu, ngân hàng theo đó
Mới đây, ông Tharabodee Serng-Adichaiwit, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Bangkok Chi nhánh Việt Nam cho biết, trong 3 quý đầu năm 2014, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng này đã tăng 10%, cao gấp 2,5 lần mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam cùng thời gian đó. “Các khoản tín dụng cấp cho nhà đầu tư FDI chiếm hơn 90% khoản cho vay mới của chi nhánh ngân hàng chúng tôi tại Việt Nam”, ông Tharabodee Serng-Adichaiwit tiết lộ.
Tương tự, các ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam cũng sống chủ yếu theo khối doanh nghiệp (DN) FDI. Đây được coi là khối khách hàng “béo bở”, nắm giữ tới 60% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, song các ngân hàng nội hầu như chưa tiếp cận được, trừ việc cung cấp một số dịch vụ đơn giản.
Đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhận xét, tới đây, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành, hàng loạt FTA như Việt Nam - EU, TPP… được ký kết sẽ khiến vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh hơn. Hiện tại, đã có nhiều tập đoàn nước ngoài bắt đầu đổ bộ sang Việt Nam. Tuy nhiên, với các khách hàng tiềm năng này, các ngân hàng trong nước cũng không có nhiều cơ hội, bởi thường dòng vốn FDI chảy đến đâu, ngân hàng của nước đó sẽ đi theo đến đấy.
Minh chứng rõ ràng nhất là, trong số hơn 100 chi nhánh, văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam hiện nay, có nhiều đại diện của ngân hàng Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… Đây cũng chính là những quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam thời gian qua.
Điều đáng nói là, do có mạng lưới hoạt động rộng rãi, nên các ngân hàng trong khu vực khi đổ bộ vào Việt Nam không chỉ “thâu tóm” được khách hàng ruột của nước mình, mà còn nắm giữ được khách hàng tại nhiều quốc gia khác có ý định đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử, Ngân hàng Bangkok Chi nhánh Việt Nam không chỉ phục vụ khách hàng Thái Lan đầu tư tại Việt Nam, mà còn thu hút được nhiều DN Trung Quốc có ý định đầu tư sang Việt Nam. Lý do là, Ngân hàng Bangkok từ lâu đã thiết lập được mạng lưới chi nhánh ở Trung Quốc..
Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Hiện tại, các ngân hàng trong nước sống dựa chủ yếu vào khối DN nhà nước và các tập đoàn tư nhân lớn, bên cạnh cho vay cá nhân. Số ngân hàng đủ sức vươn ra các nước trong khu vực còn ít và hiệu quả cũng chưa cao.
Thời gian qua, các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, BIDV… đều đặt kế hoạch mở rộng khách hàng sang khối ngoại, song để thực hiện được không dễ.
Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, nhóm khách hàng FDI chiếm vai trò quan trọng trong giao dịch đối với các tổ chức kinh tế nói chung, đặc biệt là hoạt động kinh doanh ngoại tệ và thanh toán xuất khẩu. Bởi vậy, tiềm năng đẩy mạnh doanh số thanh toán xuất nhập khẩu đối với khách hàng FDI tương đối lớn.
“Thời gian qua, Vietcombank đã cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ như tiền gửi, tài khoản thanh toán, giao dịch mua bán ngoại tệ, trả lương qua tài khoản, phát hành thẻ ATM, thẻ tín dụng… cho DN FDI. Tuy nhiên, số lượng khách hàng và dư nợ của các DN FDI vẫn chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong cơ cấu khách hàng và tổng dư nợ của Vietcombank”, ông Dũng thừa nhận.
“Chúng tôi rất muốn mở rộng nhóm khách hàng FDI và đã có một số chương trình ưu đãi, chào mời. Tuy nhiên, hiện các DN FDI chủ yếu mới sử dụng một số dịch vụ đơn giản như chi trả lương, rút tiền… Khi vay tiền, hầu như họ đều sử dụng các ngân hàng của nước họ”, giám đốc khối khách hàng DN của một ngân hàng TMCP trong nước cho biết.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và ngoại hối, Ngân hàng VIB cho biết, cách đây mấy năm, VIB đã lập cả “đội” phụ trách DN FDI. Song cho đến nay, kết quả đạt được chưa được như mong muốn.
Điều đáng lo là, trong khi các ngân hàng trong nước đang chật vật khai phá khối khách hàng FDI, thì nhiều ngân hàng nước ngoài đã công khai bày tỏ mong muốn sẽ “nhắm” vào các DN nội, vốn là khách hàng của ngân hàng trong nước.
Nguồn Đầu tư