Ngân hàng nào sẽ bán nợ cho VAMC?
Hiện, trong các ngân hàng đang niêm yết, trừ Vietcombank công bố tỷ lệ nợ xấu là 3,2% tại cuối Q1/2013, các ngân hàng còn lại như ngân hàng Á Châu, ngân hàng Quân đội, Eximbank, Vietinbank, và Sacombank đều báo cáo nợ xấu dưới mức 3%. Có ý kiến cho rằng với nhiều quy định này, sẽ có nhiều tổ chức tín dụng tìm cách đưa nợ xấu xuống dưới mức 3% để được ra ngoài cuộc chơi.
Ngay khi công bố chức năng hoạt động của VAMC, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định việc thành lập doanh nghiệp này nhằm giúp tổ chức tín dụng có thời gian (5 năm) để phân bổ dần chi phí trích lập dự phòng rủi ro, tránh ghi nhận toàn bộ tổn thất về nợ xấu ngay lập tức. Theo NHNN, sau 5 năm, ngay cả khi khoản nợ xấu không thể xử lý được thì Tổ chức tín dụng cũng đã trích lập đủ dự phòng để xử lý khoản nợ đó. Đồng thời, 5 năm tới nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh và điều kiện thị trường sẽ cải thiện nhiều hơn trong một chu kỳ kinh tế mới thì TCTD có thêm cơ hội để xử lý nợ xấu.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch cũng lên tiếng các ngân hàng Việt Nam sẽ còn đối mặt với những rủi ro về vốn sau khi chuyển nợ xấu cho VAMC. Bởi lẽ, trái phiếu đặc biệt để đổi lấy nợ xấu sẽ phải trích lập dự phòng 20% mỗi năm, điều này có nghĩa là nợ xấu của các ngân hàng không thực sự được xử lý dứt điểm mà chỉ là có thêm thời gian để giải quyết. Việc các ngân hàng không nhận được nguồn vốn mới sẽ giúp nợ công không tăng lên, tuy nhiên vẫn có thể phát sinh những hệ quả nếu như việc giải quyết nợ không thành công hoặc chậm trễ.
(Theo Tienphong)