Ngân hàng nào đang thu lãi lớn nhất từ dịch vụ?
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 của ngành ngân hàng phục hồi khả quan. Trong đó, 5 ngân hàng đạt lợi nhuận sau thuế trên 1.000 tỷ đồng gồm BIDV, Vietcombank, Vietinbank, MB và Sacombank.
Hoạt động bán lẻ đang đóng góp đáng kể vào lợi nhuận các ngân hàng. Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu với các khoản lớn đầu tư vào công nghệ và nhân sự.
Theo số liệu từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), doanh số giao dịch qua thẻ ngân hàng đang có sự tăng trưởng vượt trội, riêng quý III/2014 tổng giá trị đạt 43.700 tỷ đồng, cao hơn 34% so với cùng kỳ năm trước, đưa tổng doanh số trong 9 tháng đầu năm qua thẻ ngân hàng đạt 114.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng cũng đã phát hành được 76,1 triệu thẻ trong đó thẻ nội địa chiếm chiếm gần 90%. Thẻ tín dụng có sức tăng trưởng mạnh khi tăng 25% so với cuối năm ngoái, lên hơn 3 triệu thẻ, so với mức tăng 14% của thẻ ghi nợ.
Nhiều giải thưởng bầu chọn đã được tổ chức để tìm ra ngân hàng có dịch vụ bán lẻ tốt nhất. Tuy nhiên, những ngân hàng được bầu chọn có phải chăng có nguồn thu lớn từ dịch vụ bán lẻ?
Lãi từ dịch vụ ngân hàng có xu hướng tăng
Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng trong ba năm gần đây của các ngân hàng cho thấy, lãi từ dịch vụ của hầu hết các ngân hàng có xu hướng tăng. Lãi dịch vụ các ngân hàng hiện nay bao gồm phí dịch vụ giao dịch giao dịch nghiệp vụ tại quầy, phí rút tiền tại ATM, POS, phí của các dịch vụ ngân hàng điện tử, phí môi giới chứng khoán, các nghiệp vụ bảo lãnh và L/C.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng 2014, BIDV dẫn đầu về số lãi dịch vụ với trên 2.019 tỷ đồng tăng 228 tỷ đồng so với cùng kỳ 2013. BIDV bỏ xa ngân hàng xếp sau là Vietcombank khoảng 718 tỷ đồng.
Những ngân hàng khác có lãi dịch vụ nghìn tỷ là Vietcombank và VietinBank. Các ngân hàng khác có lãi trên 500 tỷ đồng là Sacombank, MB và ACB.
Techcombank là ngân hàng có mức tăng trưởng lớn nhất với hơn 72% lên 890 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay. Tiếp theo sau là SHB và VPBank với mức tăng trên 50%. Trong nhóm tăng trưởng âm, bất ngờ có VietinBank và Sacombank, An Bình là ngân hàng có mức giảm lãi dịch vụ cao nhất với mức giảm hơn 60%.
Về tỉ lệ đóng góp của lãi dịch vụ trong tổng lãi hoạt động của các ngân hàng, Đông Á là ngân hàng có tỷ lệ lãi dịch vụ cao nhất với 22% trong tổng lãi hoạt động, Techcombank xếp sau với 17,2%.
Trong các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối, VietinBank là ngân hàng có tỉ lệ lãi dịch vụ trên tổng lãi hoạt động thấp nhất với 7,1%, cao nhất là BIDV với 13,4%.
Mạng lưới càng rộng, phí càng nhiều
Về phí giao dịch tại chi nhánh, các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối đang chiếm ưu thế với lượng chi nhánh, phòng giao dịch lớn hơn hẳn các ngân hàng thương mại khác.
Tính tới hết quý III/2014, VietinBank có số lượng chi nhánh và phòng giao dịch lớn nhất với hơn 1.100 chi nhánh và phòng giao dịch. Xếp sau đó là BIDV, Vietcombank, Sacombank với lần lượt là 651, 449 và 418 chi nhánh và phòng giao dịch.
Mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch lớn đồng nghĩa với việc các ngân hàng có thể tiếp cận với nhiều khách hàng cá nhân tại nhiều địa phương hơn. Các ngân hàng thương mại cổ phần có lượng chi nhánh và phòng giao dịch lớn như Sacombank, ACB, Techcombank cũng thể hiện sự vượt trội về lãi dịch vụ.
Về phí giao dịch qua các điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS), các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước vẫn chiếm ưu thế về số lượng máy. Theo số liệu từ ngân hàng Nhà Nước, những ngân hàng có số lượng POS lớn nhất bao gồm Vietinbank (49.600 máy), Vietcombank (49.500 máy) và BIDV (10.600 máy).
Với POS, các ngân hàng sẽ thu phí của doanh nghiệp dựa trên doanh số giao dịch của khách hàng vì vậy lãi phí POS có thể coi như lãi từ hoạt động bán lẻ. Các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đang có lợi thế dựa vào số lượng máy vượt trội.
Về phí giao dịch ATM, các ngân hàng thương mại đang thu phí rút tiền là 1.100 đồng/lượt cho giao dịch nội mạng và 3.300 đồng/lượt cho ngoại mạng. Điều này cho thấy rằng ngân hàng có số lượng trụ ATM nhiều hơn sẽ có nguồn thu lớn hơn từ phí giao dịch.
Dựa trên số liệu từ website các ngân hàng, ngân hàng Vietcombank có số máy ATM nhiều nhất với 2100 máy, xếp thứ hai là BIDV với 1.441 máy và thứ ba là DongABank với 1.122 máy.
Với lợi thế về số lượng lớn chi nhánh, phòng giao dịch, số máy ATM, POS, việc các ngân hàng BIDV, Vietcombank, VietinBank thu lãi dịch vụ trên 1.000 tỷ đồng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, Techcombank, ACB, Sacombank và MB cũng đang chiếm ưu thế trong cuộc chơi bán lẻ với mạng lưới giao dịch dày đặc hơn.
Với xu thế phát triển ngành dịch vụ bán lẻ, ngân hàng điện tử hứa hẹn sẽ trở thành dịch vụ trọng tâm của các ngân hàng trong tương lai gần.
Nguồn DVO