Thứ Năm | 27/02/2014 09:27

Ngân hàng nào đang "nợ xấu" nhiều nhất?

Nợ xấu của toàn hệ thống Agribank giảm 7,56%, SHB có 3.103,79 tỷ đồng nợ xấu, ACB nợ xấu tăng từ 2.5% lên 3.03%, MB nợ xấu tăng từ 1.84% lên 2.45%.

Ngày 21/1 vừa qua, tại buổi gặp mặt báo chí cuối năm, Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - ông Lê Đức Thọ cho biết: Tính đến ngày 31/12/ 2013, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam là 3,79% - giảm gần 1% so với hồi đầu năm 2013. Về việc mua nợ xấu, gần 40.000 tỷ đồng nợ xấu đã được VAMC mua lại từ các ngân hàng.

"Năm 2014 NHNN sẽ tiếp tục xử lý nhanh hơn các khoản nợ xấu, xử lý có kết quả các khoản nợ này để đưa tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống xuống mức phù hợp. Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ triển khai các giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai, không được thực hiện việc cơ cấu lại nợ và các biện pháp nghiệp vụ khác để che giấu nợ xấu hoặc làm sai lệch chất lượng tín dụng", ông Thọ phát biểu.

Agribank 'cõng' 1/4 nợ xấu của toàn hệ thống

Đầu tháng 10/2013, tờ VnExpress cho biết, sau khi chính thức bán xong 2.534 tỷ đồng nợ xấu cho Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản Việt Nam (VAMC), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) lần đầu tiên chính thức công bố con số nợ xấu.

Một đại diện Agribank cho biết, sau khi bán 24 khoản nợ có giá trị sổ sách trên 2.500 tỷ đồng này cho VAMC, nợ xấu của toàn hệ thống Agribank giảm 7,56%. Như vậy, có thể ước tính nợ xấu của ngân hàng Agribank là gần 33.519 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 7/2013, nợ xấu các nhà băng tự báo cáo là gần 139.000 tỷ đồng. Như vậy, một mình ông lớn quốc doanh Agribank đang "ôm" tới 25% "cục máu đông" của toàn hệ thống ngân hàng.

Khối nợ xấu tới hơn 33.000 tỷ đồng lớn hơn gấp nhiều tổng tài sản của hầu hết các ngân hàng quy mô nhỏ tại Việt Nam. Thậm chí, con số này gấp chục lần vốn điều lệ của một vài nhà băng nhỏ trong hệ thống.

SHB còn hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu tương ứng với tỷ lệ 4,06%

Theo công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV năm 2013 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), hiện tại ngân hàng này có 3.103,79 tỷ đồng nợ xấu, tương ứng với tỷ lệ 4,06%, giảm mạnh so với mức 8,51% hồi đầu năm. Đáng lưu ý, trong cơ cấu nợ của SHB, ngân hàng còn có các khoản nợ chờ xử lý của Vinashin trị giá 1.201,4 tỷ đồng đến nay vẫn chưa được xử lý.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều ngân hàng giảm mạnh thu nhập lãi thuần, báo cáo hợp nhất cho thấy chỉ tiêu này của SHB vẫn tăng 349 tỷ đồng, lên 670,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên các mảng hoạt động trong kỳ đều có mức lãi giảm mạnh so với cùng kỳ, cụ thể, SHB lỗ từ mua bán chứng khoán đầu tư gần 4 tỷ đồng; lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 63,6% xuống 12 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác lao dốc từ 630 tỷ đồng xuống chỉ đạt 11 tỷ đồng.

Như vậy, mặc dù chi phí hoạt động của SHB trong quý IV năm nay giảm 37,7% so với cùng kỳ, nhưng tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro chỉ đạt 219 tỷ đồng, giảm 52,4% so với cùng kỳ.

Techcombank nợ xấu giảm từ 5,9% xuống còn 3,6% tổng dư nợ

Báo cáo tài chính quý IV năm 2013 của Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cho thấy, so với cùng kỳ 2012 (lỗ hơn 1.200 tỷ đồng), kết quả 3 tháng cuối năm 2013 khả quan hơn khi lãi trước thuế 128 tỷ đồng. Techcombank cũng giảm được một phần ba chi phí hoạt động so với năm ngoái nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 560 tỷ thay vì lỗ 88 tỷ như quý IV/2012.

So với quý III, nợ xấu của Techcombank giảm mạnh từ tỷ lệ 5,9% xuống còn 3,6% tổng dư nợ. Tuy nhiên, mức này vẫn còn cao so với mốc an toàn theo quy định (3%) và so với chính Techcombank năm 2012 (2,69%). Trong đó, Techcombank còn gần 1.000 tỷ đồng là nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn. Năm 2013, Techcombank cũng đã bán một phần nợ xấu cho Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản Việt Nam (VAMC).

ACB nợ xấu tăng lên 3.03%

Trong quý 4/2013, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) báo lỗ hợp nhất 293 tỷ đồng; nợ xấu tăng từ 2.5% lên 3.03%, nợ có khả năng mất vốn cao gần gấp đôi với 2,123 tỷ đồng.

Thu nhập thuần từ lãi hợp nhất trong kỳ của ACB đạt 887 tỷ đồng, giảm mạnh 43% so với quý 4/2012. Tuy nhiên, ngân hàng tiếp tục báo lỗ trong các hoạt động kinh doanh như kinh doanh ngoại hối/vàng lỗ 34 tỷ, mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 75 tỷ khi cùng kỳ năm trước cũng lỗ lần lượt 612 tỷ và 271 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí quản lý chung của ngân hàng tương đương cùng kỳ năm trước ở mức 1,334 tỷ đồng. Do đó, lỗ thuần của ACB gần 307 tỷ và lỗ sau thuế 293 tỷ đồng.

MBBank nợ xấu tăng lên 2.4%

Theo báo cáo tài chính quý 4 và năm 2013 của Ngân hàng TMCP Quân Đội-MBBank (HOSE: MBB) tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1.84% lên 2.45%, trong đó nợ có khả năng mất vốn cũng tăng 28% lên gần 820 tỷ đồng.

Trong khi đó, thu nhập lãi thuần hợp nhất trong năm 2013 của ngân hàng đạt 6,124 tỷ đồng, giảm 7% so với năm trước. Bên cạnh đó, lợi nhuận khác cao gấp đôi năm trước và đạt 606 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 3,014 tỷ đồng, giảm 2% so với năm trước và tương đương 86% kế hoạch năm (3,523 tỷ đồng). MBB đạt 2,278 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 2% so với năm 2012.

BIDV tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,86% trên tổng dư nợ

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 và năm 2013 do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố, tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,86% trên tổng dư nợ. BIDV có nợ cho vay được khoanh và nợ chờ xử lý 1.378 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 63.727 tỷ đồng, tương đương 13,1%.

Theo đó, năm 2013, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 5.311 tỷ đồng và sau thuế 4.065 tỷ, tăng lần lượt 22,8% và 23,9% so với năm 2012. Trong các hoạt động, thu nhập lãi thuần quý 4 đạt 4.199 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ và cả năm tăng 6,5% đạt 14.069 tỷ đồng.

Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro của BIDV năm 2013 đạt 11.846 tỷ đồng, tăng 19,5% so với năm 2012, riêng quý 4 tăng 10,3% đạt 3.764 tỷ đồng.

Tờ Tiền Phong dẫn lời chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, NHNN cần có cái nhìn khác về số nợ xấu thực tế trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Nếu nợ xấu đã giảm xuống mức hơn 3,63% như NHNN nói, có nghĩa chỉ còn khoảng 100.000 tỷ đồng.

Đây là con số không lớn, thậm chí không đáng lo ngại khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tuyên bố kế hoạch năm 2014 sẽ tiếp tục mua thêm khoảng 70.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu.

Như vậy, gánh nặng nợ xấu của các ngân hàng sẽ chấm dứt trong năm nay, do đã được chuyển sang cho VAMC. Các ngân hàng lại "sạch đẹp" về mặt sổ sách.

Một chuyên gia khác trong lĩnh vực ngân hàng khẳng định, việc xử lý nợ xấu đang trong tình cảnh khá khó khăn. Hiện, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam rất bất định, khi giá trị tài sản đảm bảo (đất đai) đã giảm so với sổ sách trước đây.

Vấn đề ngân hàng có chấp nhận mất tới 2/3 số tiền đã bỏ ra hay không. Nếu chấp nhận điều này, bản thân ngân hàng sẽ chịu áp lực rất lớn từ các cổ đông. Vì thế, vấn đề xử lý nợ xấu sẽ còn nhiều khó khăn.

"Nợ xấu không thể làm quyết liệt do phải cân đo, đong đếm các vấn đề có thể xảy ra với nền kinh tế. Khi hình ảnh ngân hàng xấu đi, cả hệ thống gặp sự cố sẽ sao đây? Đây là cách xử lý nợ xấu rất Việt Nam. Chúng ta biết, nhưng không thể xử lý được như nước ngoài", chuyên gia này phân tích.

Nguồn NDH.vn


Sự kiện