Thứ Tư | 10/06/2015 10:01

Ngân hàng nào đang là chủ nợ khoản vay nghìn tỷ của KSS ?

Tính đến ngày 31/3, CTCP Khoáng sản Na rì Hamico vay nợ tổng cộng 1.398 tỷ đồng, chiếm 75,34% nguồn vốn của công ty.

Sau thông tin lãnh đạo CTCP Khoáng sản Na rì Hamico (mã KSS- HOSE) bị khởi tố để thực hiện điều tra , giá cổ phiếu KSS liên tục giảm khiến các cổ đông của công ty này không khỏi lo lắng. Nỗi lo này có lẽ không chỉ của riêng các cổ đông mà còn chủ nợ đang cho công ty này vay mượn với tổng trị giá khoản vay hơn nghìn tỷ đồng.

Nguồn vốn hiện nay của KSS có tới hơn 75% là từ nguồn đi vay. Trong đó, vay ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Cụ thể, tổng khoản nợ phải trả của công ty đến cuối tháng 3/2015 là 1.398 tỷ đồng.

Vay ngắn hạn ngân hàng ngân hàng tổng cộng 587,7 tỷ đồng. Trong đó, vay từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 550,6 tỷ đồng.

Được biết khoản vay ngắn hạn BIDVđược sử dụng để chi trả tiền mua nguyên vật liệu, chi trả tiển lương, thiết bị, nhiên liệu và các hoạt động sản xuất khác… Lãi suất thả nổi nổi theo từng thời điểm hợp đồng vay và dao động từ 10-15%.

Ngoài ra, KSS có khoản vay dài hạn đến hạn trả Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trị giá hơn 37 tỷ đồng.

Cả hai ngân hàng này đều đang cho KSS vay dài hạn với trị giá tổng cộng hơn 452 tỷ đồng.

Khoản vay dài hạn trị giá 436 tỷ đồng của BIDV- chi nhánh Bắc Kạn theo hợp đồng tín dụng đầu tư ký ngày 2/10/2009. Khoản vay này có thời hạn 7 năm với lãi suất 13%/năm và thay đổi 6 tháng/ lần. Theo báo cáo của công ty, khoản vay này có tài sản đảm bảo.

Khoản vay dài hạn VDB tại KSS hiện còn hơn 15,67 tỷ đồng. Đây là khoản vay được ký kết vào ngày 20/5/2009 với kỳ hạn vay 7,5 năm được đảm bảo bằng tài sản.

Như vậy, giá trị khoản vay cả ngắn và dài hạn của BIDV cho KSS vay đến ngày 31/3/2015 xấp xỉ 987 tỷ đồng. Còn khoản vay của VDB tại công ty này trị giá gần 53 tỷ đồng.

Ngoài hai khoản vay ngân hàng trên, KSS còn có 100 tỷ đồng trái phiếu được phát hành ngày 4/4/2014.

KSS không cho biết chi tiết các tài sản được sử dụng để làm tài sản đảm bảo tại các ngân hàng.

Tuy nhiên, theo BCTC cuối năm 2014, tổng giá trị còn lại của tài sản cố định (sau khi trừ khấu hao) đang được thế chấp tại các ngân hàng xấp xỉ 157,4 tỷ đồng.

Nguồn NDH