Ngân hàng nào đang có lãi suất tiết kiệm cao nhất?
Từ giữa năm 2014, lãi suất huy động tại hệ thống ngân hàng liên tục được điều chỉnh giảm . Vì vậy, mặt bằng lãi suất đang xuống mức ngày càng thấp hơn. Dù vậy, một số ngân hàng vẫn hút vốn từ dân cư với khoản lợi tức khá cao.
Tuy nhiên, không phải ai cũng quan tâm đến lãi suất tiết kiệm vì… chẳng có tiền để gửi ngân hàng. Thế nhưng, như thường lệ, sau Tết Nguyên đán, nhiều gia đình tích cóp được lượng tiền mặt khá lớn từ tiền thưởng Tết, tiền mừng tuổi và thậm chí cả cổ tức.
Chưa biết đầu tư vào kênh nào nên rất nhiều người dân tìm đến kênh gửi tiết kiệm. Vì vậy, ngay từ những ngày làm việc đầu tiên của năm Ất Mùi, các ngân hàng đã bận rộn phục vụ khách hàng tới gửi tiền.
Trong khi một số người chọn những "ông lớn" ngân hàng như Vietinbank, Vietibank hay BIDV thì một số khác lại săn ngân hàng cung cấp dịch vụ với lãi suất hấp dẫn. Đa số các ngân hàng trả lãi suất cao đều là những ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa.
Kể từ 13/2, ngân hàng Quốc Dân (NCB) áp dụng biểu lãi suất mới. Trong đó, lãi suất cao nhất tại SCB là 7,7%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 13 tháng đến 60 tháng. Ở kỳ hạn ngắn, SCB áp dụng lãi thấp hơn mức trần, chỉ 5,4%/năm.
7,7%/năm cũng là mức cao nhất tại TMCP Sài Gòn (SCB). Mức này chỉ được áp dụng cho 3 kỳ hạn 13, 24 và 36 tháng. Muốn được hưởng lãi suất cao nhất, các hợp đồng kỳ hạn 13 tháng (bao gồm lãi suất lĩnh lãi trước, lĩnh lãi hàng tháng và lĩnh lãi cuối kỳ), khách phải gửi món tiền tối thiểu 200 tỷ đồng.
Mặc dù công bố trên website 7,7%/năm là mức lãi suất cao nhất nhưng tại một số chi nhánh của cả NCB và SCB đều "niêm yết" lãi suất 7,9%/năm.
7,9% là đang là mức lãi suất cao nhất thị trường. Không nhiều ngân hàng áp dụng tỷ lệ này. Bên cạnh SCB và NCB, chỉ có ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) trả cho mỗi hợp đồng tiết kiệm lãi suất 7,9%/năm cho 4 kỳ hạn 15,18,24 và 36 tháng.
Thấp hơn một chút, ngân hàng Bảo Việt (BaoVietBank), ngân hàng Bản VIệt (VietCapitalBank), ngân hàng Nam Á (NamABank) và ngân hàng Xây dựng (VNBC) có mức lãi suất cao nhất 7,8%/năm. Trong đó, VietCapitalBank áp dụng mức này cho 5 kỳ hạn.
Trong khi đó, ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và ngân hàng Phương Đông (OCB) cùng nhau niêm yết mức 7,7%/năm. Cả OceanBank và OCB đều đã "chung thủy" với mức lãi suất này trong suốt thời gian dài.
Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank) và ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) có mức lãi suất "trần" là 7,5%/năm. Đứng ngay sau Vietbank là ngân hàng Tiên Phong (TPB) với lãi suất 7,45%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.
Có nhiều mức lãi suất áp dụng cho nhiều kỳ hạn nhưng cả Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank), ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và ngân hàng Bưu điện (Lietvietpostbank) đều chung mức lãi suất cao nhất là 7,3%/năm.
Các ngân hàng còn lại huy động với lãi suất thấp hơn. Mức cao nhất tại Sài Gòn Công thương (SaiGonbank) là 7%/năm, tại ngân hàng Đại Chúng Việt Nam (PVcombank) là 6,9%/năm cho 3 kỳ hạn cao nhất, tại ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) là 6,86%/năm cho 36 tháng
Trong khi các ngân hàng nhỏ "chiều" khách với lãi suất cao thì các ngân hàng lớn không tham gia "cuộc đua" lãi suất. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và ngân hàng Đông Á (DongABank) cùng có mức lãi cao nhất chỉ là 6,8%/năm.
Tại ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thậm chí còn có lãi suất "trần" thấp hơn, chỉ là 6,2%/năm.
Đầu năm mới, rất nhiều ngân hàng tung ra các chương trình khuyến mại, lì xì để "hút" tiền từ người dân. Tuy nhiên, mới đây, khách hàng của VietBank cho biết ngân hàng này tri ân theo kiểu "còng tay" khách hàng.
Theo tiết lộ, khi lì xì khách hàng 50.000 đồng cho khoản tiền gửi 10 triệu đồng, Vietbank yêu cầu khách cam kết không được rút tiền trước hạn.
Nguồn VTC