The Leader

 
Thứ Sáu | 27/10/2017 14:15

Ngân hàng muốn thành công thì phải “nuôi” nợ để đòi nợ

Theo TS. Trần Du Lịch, doanh nghiệp Việt Nam rất mỏng vốn, chủ yếu dựa vào vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh

Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam rất mỏng vốn, chủ yếu dựa vào vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh. Vì thế, trong bối cảnh thanh khoản đang dồi dào, các ngân hàng cũng nên xem xét những doanh nghiệp có dự án tốt để cho vay, nói cách khác là “nuôi” con nợ để thu hồi nợ. 
Thanh khoản ngân hàng đang dôi dư, nhưng thực tế vẫn có không ít doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Theo ông, nguyên nhân do đâu và giải pháp nào để khơi thông điểm nghẽn này?

Hiện thanh khoản của ngân hàng tốt, có đủ tiền, thậm chí thừa tiền để cho vay. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp vẫn cho rằng không tiếp cận được vốn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là hiện vẫn tồn tại tình trạng các nhà băng đang lùng sục những doanh nghiệp có sức khỏe tốt để cho vay lãi suất thấp. Thậm chí, lãi vay còn thấp hơn cả mặt bằng lãi suất huy động.

Trong khi đó, không ít doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó được ngân hàng cung ứng vốn để đáp ứng cầu vốn kinh doanh - sản xuất. Một phần là do ngân hàng lo ngại rủi ro, mặt khác, nhiều doanh nghiệp chưa có dự án kinh doanh khả thi.

Ngân hàng muốn thành công thì phải “nuôi” nợ để đòi nợ, tất nhiên là ngân hàng phải kiểm soát được rủi ro. Còn phía doanh nghiệp cũng cần có dự án sản xuất - kinh doanh hiệu quả. 

Có nghĩa là các ngân hàng đã quá thận trọng trong việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ, mà chỉ chú trọng vào doanh nghiệp lớn?

Tất nhiên, các ngân hàng cần thận trọng khi đẩy mạnh vốn cho vay, không chỉ với doanh nghiệp nhỏ, mà ngay cả những đơn vị lớn để kiểm soát rủi ro.

Với doanh nghiệp vừa và nhỏ có dự án sản xuất – kinh doanh hiệu quả, các ngân hàng nên mạnh dạn cho vay. Nếu không thì người “chết” đầu tiên cũng chính là ngân hàng. Vì thực tế, ngân hàng huy động vốn từ dân cư và phải trả tiền lãi tiết kiệm, nên rất cần mở rộng tín dụng.

Đáng chú ý là hiện nay, sức khỏe của ngân hàng và tình trạng tín dụng đã khác xa so với cách đây 5 năm (năm 2012). Do đó, để tăng trưởng được tín dụng, cũng cần xem xét để cho vay, nhất là với vốn trung, dài hạn. 

Trong bối cảnh lãi suất còn cao, doanh nghiệp có nên lệ thuộc vốn vay ngân hàng, thưa ông?

Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam rất mỏng vốn, tức vốn chủ sở hữu so với vốn đầu tư dự án rất nhỏ. Hiện nay, chúng ta hay gọi chung là vốn, nhưng đa phần trong đó là nợ, doanh nghiệp huy động dòng tiền để đầu tư chủ yếu từ ngân hàng thương mại.

Trong khi đó, việc huy động qua trái phiếu, cổ phiếu còn yếu và thiếu, một phần do thị trường vốn chưa thực sự phát triển.

Trong 10 năm nữa, có thể ngân hàng thương mại vẫn “một mình một chợ” và tình trạng này còn kéo dài. 

Room tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng trong năm nay được nới thêm 2% để thúc đẩy sản xuất – kinh doanh. Mục tiêu này liệu có sớm hoàn thành, theo ông?

Dư địa tín dụng hiện nay vẫn còn khá lớn, khi 9 tháng đầu năm, toàn ngành mới đạt mức tăng trưởng dư nợ hơn 12%. Nếu tín dụng đạt được mức tăng trưởng 18% như ngành ngân hàng đưa ra đầu năm nay cũng là đã tốt. Đơn cử, tại TP.HCM, nếu tín dụng đạt mức tăng trưởng 18%, thì từ nay đến cuối năm có thêm khoảng 100.000 tỷ đồng để cho vay.

Hiện không chỉ tín dụng tăng trưởng tốt, mà lãi suất cũng có điều kiện để giảm thêm, tỷ giá được kiểm soát, nợ xấu có đầu ra kể từ khi ban hành Nghị quyết 42. Nếu trong năm nay, chúng ta xử lý được 92.000 tỷ đồng nợ xấu, sẽ khơi thông được dòng chảy tín dụng.

Vấn đề còn lại là nền kinh tế có hấp thu được vốn hay không. Nhưng trên thực tế hiện nay, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu, doanh nghiệp tốt chưa mấy mặn mà sử dụng vốn vay mở rộng sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh thị trường còn những khó khăn nhất định. 

Có ý kiến lo ngại việc nâng room tín dụng sẽ khó tránh dòng vốn chảy mạnh vào thị trường bất động sản, tạo bong bóng cho thị trường này?

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện dư nợ tín dụng bất động sản chỉ chiếm khoảng 8 - 9% tổng dư nợ, nhưng điều đáng quan tâm nhất là phải kiểm soát được dòng tiền. Bởi có nhiều người cho hay vay tiền để sản xuất - kinh doanh, nhưng thực chất là đầu tư vào bất động sản, mà ngân hàng không kiểm soát hết.

Trong đợt giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn 2012 - 2013 đã lộ ra nhiều doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng để đầu tư vào bất động sản, cho dù khi vay thì không có mục đích đầu tư vào bất động sản.

Qua đó cho thấy, một trong những yếu kém của các ngân hàng thương mại Việt Nam là không kiểm soát được dòng tín dụng hoặc kiểm soát rất lỏng lẻo, dẫn đến hậu quả nợ xấu như ngày hôm nay. Trong khi đó, nguyên tắc trong cho vay là phải kiểm soát được nguồn tiền và dòng tín dụng. Thực tế cũng cho thấy, nợ xấu của ngân hàng tập trung phần lớn vào bất động sản. Bong bóng bất động sản xì hơi, nợ xấu ngân hàng tăng lên.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán