Thứ Ba | 08/03/2016 08:30

Ngân hàng muốn mở cửa bầu trời

Vasco dự kiến sẽ bán cổ phần cho hai công ty con của Techcombank với tổng tỉ lệ 49%.

Vietnam Airlines, Jetstar hay Vietjet Air đều là thương hiệu quen thuộc trong những chặng bay của người Việt, nhưng cái tên Vasco (Công ty Bay Dịch vụ Hàng không) thì chưa được biết đến nhiều. Vietnam Airlines đang cố gắng thay đổi điều này và biến Vasco thành cánh tay mặt quan trọng của mình.

Với ý định đó, hãng hàng không này đang lên kế hoạch hợp tác với Techcombank. Trả lời báo giới, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết Vasco dự kiến sẽ bán cổ phần cho 2 công ty của Techcombank là Techcom Capital và Techcomdeveloper với tổng tỉ lệ 49%. Vốn chủ sở hữu của Vasco sau cổ phần hóa dự kiến là 300 tỉ đồng. Liệu có thể coi đây là bước chân nhỏ và thăm dò thị trường hàng không của Techcombank?

Cánh tay Vasco

Mặc dù thương vụ Vasco vẫn đang chờ sự chấp thuận của Bộ Giao thông Vận tải, song có thể thấy từ trước mối quan hệ thân hữu giữa Techcombank và Vietnam Airlines. Hãng hàng không này đã từng là cổ đông của Techcombank, sau khi thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo yêu cầu của Nhà nước. Ngược lại, Techcombank cũng đã tham gia cổ phần vào Vietnam Airlines khi tổng công ty này tiến hành IPO hồi cuối năm 2014.

Do đó, chuyện Techcombank rót vốn vào Vietnam Airlines cũng là bình thường. Tháng 8 năm ngoái, 2 đơn vị này đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện. Theo đó, Vietnam Airlines sẽ tạo điều kiện để Techcombank tiếp cận, cung cấp dịch vụ tài chính, đồng thời có thể góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết của Vietnam Airlines.

Hiện Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đang nắm trong tay 3 hãng bay là Vietnam Airlines, Jetstar và Vasco. Nếu như Vietnam Airlines khai thác chuyến bay thương mại bình thường, Jetstar tập trung vào thị trường bay giá bình dân, thì Vasco lại là đơn vị khai thác các điểm đến lẻ, ít người đi và dùng phi cơ nhỏ.

Từ năm 2004, Vasco bắt đầu vận chuyển khách từ TP.HCM đến các sân bay nhỏ như Cà Mau, Côn Đảo. Công ty mẹ Vietnam Airlines vẫn đang trong quá trình chuyển giao một phần các chuyến bay sang các hãng là cánh tay của mình. Năm ngoái, Vietnam Airlines đã chuyển giao các đường bay đến Rạch Giá, Phú Quốc, Cần Thơ cho Vasco; còn đầu năm nay là tuyến Hà Nội - Điện Biên và Hà Nội -  Vinh. Gần đây, Jetstar tiếp tục nhận đường bay chuyển giao với tuyến TP.HCM đến Tuy Hòa (Phú Yên) và Chu Lai (Quảng Nam).

Những đường bay được bàn giao này đã nằm trong kế hoạch đẩy mạnh thương hiệu Vasco. Theo Vietnam Airlines, việc đổi tuyến nhằm tái phân bổ nguồn lực cho cả 3 hãng hãng không thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Điều này cũng tương tự với Jetstar. Còn hãng bay Vasco khá nhỏ và đó cũng là lợi điểm của nó. Theo thông tin từ Vietnam Airlines, đội bay dự kiến có khoảng dưới 10 máy bay, sử dụng ATR72 và doanh thu kỳ vọng chỉ có 2.000 tỉ đồng.

Đối với Vietjet Air, mặc dù phình to rất nhanh những chặng bay mới, nhưng với những chặng nhỏ nội địa thì Vietjet Air không còn ngần ngại mở rộng như ông lớn lâu năm Vietnam Airlines. Ngược lại, Vasco có lợi thế với quy mô khách ít, chi phí vận hành máy bay nhỏ và cũ thấp và gần như độc quyền khai thác.

Ngân hàng lên bầu trời

Đặc thù của ngành hàng không là có cấu trúc chi phí cao. Để mở rộng đội bay chiếm thị phần, bản thân các hãng hàng không cũng cần sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài. Hơn nữa, chi phí hoạt động cao vì bản thân chi phí bay là chi phí chìm, nghĩa là dù có bao nhiêu khách bay thì các hãng vẫn mất phần phí đó. Do đó, các hãng bay sẽ có lợi thế khi kết thân với ngân hàng.

Trên thực tế, những khoản cho vay mua hoặc thuê máy bay cũng được xem là một ngành kinh doanh khá khẩm trên thế giới, trong đó chiếm phần lớn là các công ty tài chính và ngân hàng thương mại.

Theo báo cáo về tình hình vốn mua máy bay của hãng sản xuất máy bay Boeing năm 2015, trong 3 năm qua, thị trường vốn chiếm khoảng 60% lượng vốn cần để mua hoặc thuê máy bay, trong khi tỉ lệ vay ngân hàng và tiền mặt là xấp xỉ nhau, khoảng 20%.

Năm 2013 Techcombank cũng thu xếp khoản vay hơn 1.160 tỉ đồng dài hạn cho Vietnam Airlines, xếp sau Vietcombank. Đây cũng là 2 ngân hàng tham gia đợt phát hành IPO của Vietnam Airlines năm 2014. Tuy nhiên, đến cuối năm 2014, dư nợ của Techcombank tại hãng hàng không này đã giảm gần một nửa. Thay vào đó, Vietnam Airlines đã vay thêm nhiều ngân hàng khác.

Vậy còn các ngân hàng được gì? Dưới góc độ kinh doanh, chuyện kết hợp với hãng bay mang lại lợi ích trong khâu thanh toán và liên kết dịch vụ với nhau. Còn dưới góc độ đầu tư, ngành hàng không hiện nay cũng hấp dẫn với những tiềm năng của nó.

Năm ngoái, sản lượng vận tải hàng không Việt Nam đã lên đến 62 triệu khách, tăng 24 lần so với năm 2014. Trong khi đó, năm qua cả Vietnam Airlines lẫn Vietjet Air đều kinh doanh tốt. Với Vietnam Airlines, lợi nhuận công ty mẹ (gồm Vietnam Airlines và Vasco) ước đạt 260 tỉ đồng, tăng gần 52%. Còn lượng khách của Vietjet Air tăng 66% và doanh thu mở rộng đến hơn 3 lần.

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, Việt Nam đang đứng thứ 7 thế giới và thứ 3 của khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tốc độ tăng trưởng hàng không. Còn theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, Việt Nam được kỳ vọng là 1 trong 10 thị trường hàng không tăng trưởng nhất thế giới trong 20 năm tới.

Thực ra, mô hình ngân hàng đầu tư và nắm tỉ lệ sở hữu lớn ở một hãng hàng không là không mới. Tuy nhiên, hiện chỉ còn mỗi trường hợp HDBank và Vietjet Air. Vietjet Air được xem là một hãng hàng không tư nhân năng động, có những chiêu thức mới để giành lấy thị phần trên thị trường.

Song không phải câu chuyện kết hợp với một ngân hàng cũng cho kết quả tốt. Một ví dụ điển hình là trường hợp Eximbank đầu tư vào Air Mekong hồi năm 2012. Theo đó, Eximbank sẽ hỗ trợ Air Mekong các hoạt động thuê mua máy bay và các dịch vụ khác. Tuy nhiên, đến tháng 3.2013 hãng hàng không này đã ngừng bay.

Ở thị trường Việt Nam, các hãng hàng không tư nhân cũng có rất ít cơ hội, ví dụ như Jetstar sau thời gian kinh doanh thua lỗ cũng đã được trả về với Vietnam Airlines, hay trường hợp hãng Indochina Airlines của doanh nhân Hà Dũng. Những ví dụ này cho thấy cấu trúc chi phí trong ngành hàng không đòi hỏi sự trường vốn như thế nào. Vietjet Air có lẽ hiểu rất rõ bài toán chi phí vận tải trong ngành hàng không, vì thế kiên trì đi theo con đường “giá bình dân”. Đó cũng là sự cân nhắc đối với Techcombank.

Thiên Phong