Ngân hàng lớn phải gồng gánh ATM
"Sáng nay, Agribank chi nhánh huyện Thanh Chương (Nghệ An) cả trong văn phòng lẫn máy ATM đều nườm nượp người. Cả huyện chỉ có 1 trụ ATM ở thị trấn, nhưng người dân đến rút tiền không được nên phải vào chi nhánh ngân hàng để làm thủ tục rút tiền", bạn Thanh Hoa, sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh về Nghệ An ăn Tết dịp cuối năm vừa rồi cho biết. Dù chấp nhận rút tiền và chịu phí, nhưng bạn Thanh Hoa vẫn phải đi hơn 7 km tìm tiệm để photocopy tờ chứng minh nhân dân mà mất thêm 3.000 đồng. "Tội…", Thanh Hoa than thở.
Nhiều ngân hàng nhỏ được cho là chỉ tập trung phát hành thẻ, hạ tầng chấp nhận thẻ đã có… ngân hàng lớn lo |
Cuộc sống hiện đại đang khiến cho thẻ ATM trở nên phổ biến và ngày càng tiện dụng, khi các dịch vụ thanh toán phát triển nhanh và rộng khắp, lợi ích nhiều khi đi kèm rất lớn, với các chương trình khuyến mại cho khách hàng quẹt thẻ mua hàng, ưu đãi các loại phí phát hành, duy trì thẻ, chuyển tiền… Tuy nhiên, quanh dịch vụ này còn nhiều phiền toái trên thực tế.
Những ngân hàng thu phí thẻ hiện nay thường chiếm thị phần lớn trên thị trường thẻ. Trước khi Thông tư 35 của NHNN ra đời cuối năm 2012, quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, ước tính một chủ tài khoản thẻ phải gánh trên 10 loại phí khi sử dụng thẻ ATM. Tuy nhiên, sau khi Thông tư này chính thức có hiệu lực thì các NHTM phát hành thẻ chỉ được thu phí rút tiền mặt theo lộ trình. Đối với các giao dịch nội mạng từ 0 đồng đến 2.000 đồng trên lần giao dịch vào năm 2014 và từ 0 đồng đến 3.000 đồng trên lần giao dịch từ năm 2015.
Sử dụng dịch vụ phải trả phí, nhưng phải đi kèm với chất lượng dịch vụ theo giá người mua dịch vụ phải trả. Thông tư 36/2012/TT-NHNN cũng yêu cầu các TCTD phát hành thẻ phải trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy ATM. Trong đó có tiêu chuẩn kỹ thuật đối với máy ATM và trách nhiệm của ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán trong việc bảo đảm chất lượng dịch vụ ATM.
Như vậy, khuôn khổ pháp lý đối với dịch vụ ATM đã được xây dựng, bao gồm phí dịch vụ phải đi kèm chất lượng dịch vụ. Một thành viên câu lạc bộ thẻ ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết: Thị trường thẻ rút tiền tự động đến nay vẫn "đục - trong trôi nổi". Những ngân hàng lớn đầu tư công nghệ mạng lưới ATM chất lượng tốt, phải sống chung với ngân hàng nhỏ trang bị… cho có.
Nhiều ngân hàng mới chỉ trang bị máy ATM phục vụ rút tiền để phát hành thẻ, không nâng cấp hệ thống thanh toán lên để tích hợp các dịch vụ tiện ích trên máy ATM. Thế là các chủ thẻ của họ cứ nhằm máy ATM ngân hàng lớn rút tiền mặt dù mất thêm vài ngàn đồng tiền phí. Theo đó, mỗi dịp lễ tết thường xảy ra tình trạng quá tải, nghẽn mạng các máy ATM Vietcombank, BIDV, DongA Bank… chứ ít xảy ra ở những ngân hàng khác.
Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, hạ tầng thanh toán một ngân hàng thường được dự báo trên số chủ thẻ ngân hàng đó phát hành, có tính đến những thẻ ngân hàng khác. Nhưng nếu vào các dịp cao điểm tập trung rút tiền vào một ngân hàng thì không máy nào chịu nổi. Chưa kể, các thuật toán trên máy cũng có thể có nhưng sự cố khi đọc các loại thẻ khác nhau, không tương thích là dẫn đến máy ATM báo lỗi không rút được tiền...
Theo một chuyên gia thẻ ngân hàng, có thể nói đến nay người dân Việt Nam ở các đô thị lớn đã thành thạo các thao tác cơ bản khi thực hiện giao dịch thẻ trên máy ATM. Để dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới, NHNN nên có chính sách siết chặt những ngân hàng trang bị máy ATM như là một hình thức cho đủ dịch vụ để khuyến khích các ngân hàng đã đầu tư công nghệ thích đáng cho dịch vụ thanh toán.
Nguồn TBNH