Thứ Năm | 30/08/2012 12:25

Ngân hàng lo khó thu nợ do vướng luật

Chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức xử lý tài sản bảo đảm khiến một số quy định vẫn không có hiệu lực trong quá trình áp dụng.
Tại buổi tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số điều về xử lý tài sản bảo đảm do Bộ Tư pháp và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 28/8, nhiều ý kiến cho rằng, nếu luật về xử lý tài sản bảo đảm không được thông qua sớm, trên cơ sở bổ sung các quy định mới thì thiệt hại về tài chính đối với nhiều ngân hàng sẽ khó tránh khỏi.

Theo đại diện Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), luật quy định về xử lý tài sản bảo đảm hiện còn vướng mắc, đặc biệt là quy định về thu hồi nợ. Đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức xử lý tài sản bảo đảm. Hệ quả là một số quy định về xử lý tài sản bảo đảm vẫn không có hiệu lực trong quá trình áp dụng.

Một số ngân hàng thương mại lo ngại, khi xảy ra khủng hoảng, hoặc thua lỗ, nếu bên giữ tài sản bảo đảm (thế chấp ngân hàng khi vay vốn) không hợp tác, không có sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền,… thì các ngân hàng vẫn sẽ là đối tượng lãnh hậu quả sau cùng vì không thu hồi được nợ từ tài sản bảo đảm.

Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cũng thừa nhận, áp dụng theo luật hiện nay thì bên nhận bảo đảm chưa có được quyền chủ động khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật, cũng như theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm.

Nhiều ý kiến cũng lo ngại, khi ngân hàng không "nắm đằng chuôi” thì khi xảy ra trốn nợ khó thu hồi, buộc ngân hàng phải lựa chọn con đường tố tụng (khởi kiện ra tòa án). Tuy nhiên, việc theo đuổi con đường tố tụng sẽ dẫn đến nhiều bất cập đối với hoạt động kinh doanh của các ngân hàng nói riêng và của bên nhận bảo đảm nói chung.

Thậm chí, một số ngân hàng thương mại phản ánh, việc kiện ra tòa thời gian theo đuổi vụ việc rất dài, thủ tục phức tạp qua nhiều cấp xét xử với nhiều quy trình tố tụng… Trong nhiều vụ việc, dù bên nhận đảm bảo thắng kiện nhưng vẫn không chắc chắn có thể xử lý được tài sản bảo đảm trên thực tiễn.

Không chỉ lo nợ khó đòi, nhiều ngân hàng cũng phàn nàn do rơi vào tình thế bị động trong các giao dịch liên quan đến thế chấp bất động sản. Chẳng hạn, quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm hiện chưa rõ đối với một số trường hợp đăng ký thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.

Ông Nishioka – Cố vấn trưởng Dự án JICA cho rằng: "Luật phải cho thấy được cơ chế, cách thức xử lý tài sản bảo đảm nhằm cụ thể hóa các quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm; đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong việc chủ động xử lý tài sản đảm bảo, tăng khả năng thanh khoản của tài sản đảm bảo và tạo sự ổn định trong hoạt động tín dụng”, ông Nishioka góp ý.

Nguồn Đại đoàn kết


Sự kiện