Ngân hàng lãi lớn 6 tháng vì quên trích lập dự phòng
Hụt hẫng lợi nhuận sau dự phòng
Thực tế, nguồn thu chính đóng góp vào ngân hàng vẫn chủ yếu từ hoạt động tín dụng, chiếm khoảng 80 - 90%. Đáng chú ý là khi hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối không còn đem lại nguồn thu lớn cho các NHTM như trước đây, nên các ngân hàng hầu như chỉ kỳ vọng vào tăng trưởng tín dụng để đạt chỉ tiêu lợi nhuận. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng nửa đầu năm 2014 chỉ mới bằng 1/3 mục tiêu đưa ra cho cả năm, nhưng hầu hết nhà băng nhỏ đều báo lãi rất khả quan.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, hiện một số ngân hàng chưa vội trích dự phòng, mà "đợi" đến gần cuối năm mới trích đủ. Xét con số sau dự phòng, lợi nhuận còn lại của ngân hàng 6 tháng khá khiêm tốn.
VIB cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, tổng lợi nhuận trước dự phòng rủi ro của Ngân hàng lên tới 598 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2013. Đóng góp đáng kể vào con số lợi nhuận này là nguồn lãi thu được từ cho vay cá nhân (chiếm 46%) và cho vay mua nhà (tăng 38% so với cùng kỳ năm trước). Sau trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế 6 tháng của VIB đạt 151 tỷ đồng.
Nhìn vào những con số này, có thể thấy, rủi ro từ tín dụng ngày một tăng, đòi hỏi VIB phải trích lập dự phòng tăng đáng kể trong nửa đầu năm nay. Mục tiêu lợi nhuận cả năm 323 tỷ đồng, vì vậy, vẫn là thách thức đối với VIB. Năm 2013, VIB từng đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đến 1.186 tỷ đồng, nhưng kết quả chỉ thực hiện được 81 tỷ đồng, do phải trích dự phòng rủi ro tới 871 tỷ đồng.
Còn với Navibank (NCB), 6 tháng đầu năm, Ngân hàng chỉ đạt 3,76 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi lãnh đạo NCB cho biết, vốn huy động trong 6 tháng tăng 34,15% và cho vay ra tăng trưởng hơn 32,56% so với cuối năm ngoái.
Theo bà Trần Hải Anh, Tổng giám đốc NCB, 6 tháng cuối năm 2014, Ngân hàng tiếp tục tập đẩy mạnh mảng bán lẻ, phát triển các gói sản phẩm dịch vụ đặc trưng riêng cho DN vừa và nhỏ, thu hồi nợ, thắt chặt quản trị rủi ro để hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế khiếm tốn - 96,3 tỷ đồng. Nhưng nhìn vào thực tế tình hình kinh doanh trong 6 tháng đầu năm, xem ra mục tiêu này còn rất xa. Năm 2013, NCB chỉ đạt 31,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Chủ tịch HĐQT DongA Bank cho biết, 6 tháng, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch cả năm. Nhưng nhìn vào thực tế, có thể thấy, phong độ của DongA Bank đã sa sút hẳn khi lợi nhuận của những năm trước đều đạt con số hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng cho năm 2014 vẫn là thách thức đối với DongA Bank khi nợ xấu của Ngân hàng vẫn trên 3%.
Tính đến 30/6, lợi nhuận trước thuế của SCB đã đạt 123 tỷ đồng, tăng 37,7% so với năm 2013. Với mức lợi nhuận này, SCB đã hoàn thành 102% kế hoạch năm 2014. Dư nợ của SCB đạt 95.952 tỷ đồng, tăng 7,8% so với đầu năm. Ngay từ đầu năm, SCB đã chú trọng triển khai cho vay đối với các ngành nghề ưu tiên cũng như xây dựng chính sách ưu đãi hợp lý, đặc biệt là chính sách lãi suất đối với các đối tượng này. Theo đó, sau 6 tháng đầu năm, SCB đã cho vay mới đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp 1.482 tỷ đồng, trong đó, cho vay doanh nghiệp xuất nhập khẩu đạt 476 tỷ đồng. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư tính đến cuối tháng 6/2014 đạt 164.956 tỷ đồng, tăng 12,1% so với đầu năm và hoàn thành 56% kế hoạch năm 2014.
Nhiều e ngại
Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, do Ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc nên mọi nguồn lực đều dành để phục vụ cho tái cơ cấu, trích lập dự phòng. Đến nay, SCB đã trích lập được khoảng 3.100 tỷ đồng dự phòng rủi ro. Vì thế, SCB không đặt kỳ vọng mục tiêu lợi nhuận cao năm nay.
OCB đạt 128 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2014. Lãnh đạo OCB cho biết, tính đến 30/6, tổng tài sản OCB đạt 30.873 tỷ đồng, đạt 91,9% kế hoạch cả năm; tín dụng đạt 21.115 tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm ngoái; huy động vốn đạt 26.492 tỷ đồng, tăng 19,7% so với tháng 6/2013; lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng đạt 128 tỷ đồng, đạt 73% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm; tỷ lệ nợ quá hạn giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để đạt được mục tiêu lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng trong năm nay, đòi hỏi Ngân hàng phải có sự nỗ lực, nhất là trước xu hướng nợ xấu của ngành vẫn tăng, kéo theo trích dự phòng rủi ro cao. Còn nhớ, năm ngoái, con số trích lập dự phòng rủi ro của OCB ngang ngửa với lợi nhuận đạt được, 350 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, Kienlongbank đạt 212 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành gần 51% chỉ tiêu cả năm, nhưng lãnh đạo nhà băng này cũng không chắc chắn về khả năng hoàn thành kế hoạch cả năm khi tăng trưởng tín dụng vẫn là bài toán nan giải.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng 6 tháng qua còn ở mức thấp, nhưng kết quả kinh doanh nhiều ngân hàng mới được công bố cho thấy nhiều điểm sáng, song ngân hàng vẫn chưa hết lo lắng.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, nợ xấu tăng trở lại và các cơ chế xử lý nợ xấu còn thiếu, nguy cơ tiềm ẩn rủi ro tăng cao; đồng thời biên lợi nhuận (NIM) có xu hướng thu hẹp, chênh lệch mặt bằng lãi suất giữa các nhóm ngân hàng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh là những thách thức không nhỏ với OCB để hoàn thành các mục tiêu kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Tùng, OCB vẫn giữ mục tiêu lợi nhuận 350 tỷ đồng.
Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn, Vietcombank, VietinBank, Sacombank báo lãi lớn trong 6 tháng đầu năm. Vietcombank đạt mức lãi trước thuế 2.778 tỷ đồng, nhờ tín dụng tăng trưởng gần gấp đôi so với trung bình ngành. Trong khi đó, Vietinbank dù tín dụng chỉ tăng trưởng 2,8%, thấp hơn trung bình ngành, nhưng vẫn đạt hơn 4.000 tỷ đồng lợi nhuận, đạt xấp xỉ 50% kế hoạch cả năm. Sacombank đạt 1.531 tỷ đồng lợi nhuận trong 2 quý…
Thế nhưng, lãnh đạo các nhà băng này vẫn e ngại nhiều thách thức đối với việc hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm, nhất là khi nợ xấu vẫn diễn biến phức tạp.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán