Thứ Sáu | 20/02/2015 10:13

Ngân hàng lãi lớn

Đây sẽ bước đệm cho các ngân hàng tái cơ cấu, xử lý nợ xấu dưới mức 3% theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với ngành Ngân hàng, trong năm vừa qua là năm bản lề trong hoạt động gắn liền với quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn I và thực hiện 3 nhiệm vụ quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và xử lý nợ xấu.  Năm qua cũng ghi nhận sự khởi sắc trong hoạt động kinh doanh, thể hiện qua các chỉ số về tốc độ tăng trưởng ngành, nợ xấu được kiểm soát và có xu hướng giảm.

Theo Ngân hàng OCB, tổng tài sản đạt của ngân hàng này vào cuối năm 2014 đạt 39.146 tỷ đồng, tăng 19,37% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng huy động đạt 34.685 tỷ đồng, tăng 21,64% so với cùng kỳ và đạt mức 116% kế hoạch.

Tổng dư nợ tín dụng đạt 24.528 tỷ, tăng 18,8% so với 2013 và đạt 108% so với kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 2,85%, giảm 0,07% so với 2013. Vốn điều lệ tăng lên 3.547 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 303 tỷ đồng.

Theo Ngân hàng thương mại CP Quốc tế (VIB), kết thúc năm 2014, VIB đạt 1.836 tỷ đồng lợi nhuận trước dự phòng tín dụng, tăng 93% so với năm 2013. Tiếp tục chiến lược kinh doanh thận trọng, ngân hàng đã trích lập 1.188 tỷ dự phòng tín dụng. Lợi nhuận trước thuế đạt 648 tỷ, đạt 201% so với kế hoạch do Đại hội đồng cổ đông giao từ đầu năm.

Doanh thu thuần đạt 3.470 tỷ, tăng 38% so với năm 2013 từ kết quả của hoạt động ngân hàng lõi và việc thoái vốn từ công ty con. Chi phí hoạt động chỉ tăng 5% so với năm 2013.

Huy động vốn tăng trưởng 13% so với 2013, với số dư 49.051 tỷ. Riêng số dư tài khoản vãng lai tăng 19%. Tại thời điểm kết thúc năm 2014, vốn chủ sở hữu đạt 8.500 tỉ đồng, gấp đôi vốn điều lệ.

Theo tin từ Ngân hàng Quân đội (MB), năm 2014, lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ ước đạt 3.003 tỷ đồng. So với mức gần 2.940 tỷ đồng năm ngoái, lợi nhuận năm nay tăng khoảng 2%.

Huy động vốn của ngân hàng năm qua tăng 22%, tổng dư nợ tăng 15,7%, cao hơn mức tăng chung toàn ngành và vượt kế hoạch đã đề ra (huy động tăng 10%, dư nợ tăng 13%). Tổng tài sản đạt 203.115 tỷ đồng, tăng 14,4%; vốn điều lệ đạt 11.594 tỷ đồng. Nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,73% tổng dư nợ.

Sang năm 2015, nhận định kinh tế vĩ mô đang có dấu hiệu phục hồi song vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn cho hoạt động ngân hàng, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.150 tỷ đồng, huy động dự kiến tăng 8 - 10%, dư nợ tăng khoảng 15 - 17% so với năm 2014, nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh với kết quả khả quan cao hơn năm trước và vượt kế hoạch đề ra, như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) lãi trước thuế 6.065 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2013 và vượt mục tiêu 6.000 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đạt 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 6% so với năm 2013 và bằng 101% kế hoạch.

Trong bối cảnh lãi suất liên tục giảm từ đầu năm, nợ xấu vẫn phải xử lý bằng trích lập dự phòng thì việc nhà băng đạt lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra là điều không dễ dàng.

Dù lãi suất năm 2014 tiếp tục trong xu hướng giảm, nhưng hầu như các ngân hàng không bị ảnh hưởng nhiều. Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, lợi nhuận của một số ngân hàng tăng cao trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn là điều đáng mừng.

Nguồn lợi nhuận mà các ngân hàng thu về còn có sự đóng góp từ hoạt động dịch vụ khởi sắc và chi phí dự phòng rủi ro giảm bớt. Đến 3-12-2014, tổng thu dịch vụ của Agribank đạt 2.877 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cuối năm 2013, hoàn thành vượt mức kế hoạch, trong đó nhóm dịch vụ thẻ tăng 47%.

Tại Vietcombank, tỷ trọng thu nhập ngoài thu nhập lãi thuần cũng ở mức 31%, với điểm sáng từ hoạt động dịch vụ khi đạt 1.038 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước. Chi phí dự phòng rủi ro ước tính ở mức trên 4.500 tỷ đồng, thấp hơn so với kế hoạch của ngân hàng (5.000 tỷ đồng).

Theo nhận định của các ngân hàng, lợi nhuận kinh doanh trong năm 2014 sẽ là bước đệm cho các ngân hàng thiếp tục tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.

Nguồn Báo Hải Quan