"Ngân hàng kỳ vọng VAMC có cơ chế hoạt động vượt trội"
Theo bà các ngân hàng phải làm gì khi nợ xấu cũ chưa giải quyết được, nợ xấu mới lại phát sinh?
Hiện tại ai cũng biết nợ xấu ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của ngân hàng. Do đó, nếu nhìn nhận đúng về nợ xấu, các ngân hàng sẽ biết được điểm đứng, điểm xuất phát thực tế để tìm ra thuận lợi, khó khăn từ đó đưa ra giải pháp phù hợp. Trên cơ sở đó thực hiện giải pháp cơ cấu nợ một cách hiệu quả nhất.
Do vậy, theo tôi, việc cần làm bây giờ của các ngân hàng là phải nghiêm túc xem xét lại việc cơ cấu lại nợ cho các khách hàng của mình trên cơ sở tình hình tài chính cụ thể của họ và xác định lại khả năng trả nợ để cơ cấu lại nợ. Qua đó vừa phản ánh đúng thực trạng nợ xấu của mình, đồng thời tạo điều kiện để những khách hàng trả được nợ và vay vốn mới, tránh phát sinh nợ xấu.
NHNN yêu cầu các ngân hàng xác định đúng mức nợ xấu để xử lý, nhưng lại cho hoãn thi hành Thông tư 02 tới năm sau để các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780. Như vậy liệu có mâu thuẫn chính sách không, thưa bà?
Việc lùi lại thời hạn áp dụng Thông tư 02 của NHNN về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro nhằm để các ngân hàng có cơ sở giải quyết vốn cho DN hỗ trợ thúc đẩy tín dụng cho nền kinh tế, tạo mặt bằng lãi suất cho vay và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh chứ không phải ngành Ngân hàng "ngại". Bởi nếu áp dụng ngay Thông tư 02 thì nợ xấu tăng cao, nhiều khách hàng không đủ điều kiện vay vốn khiến ngân hàng không thể tài trợ vốn cho DN được.
Tôi được biết, NHNN đang chỉ đạo sát sao, yêu cầu các NHTM phải đánh giá lại các khoản nợ, xây dựng lộ trình thực hiện Thông tư 02 để đúng tháng 6/2014 phải thực hiện những quy định tại Thông tư này.
Việc VAMC dùng trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu có mang lại hiệu quả thực tế?
Mỗi nước có đặc thù khác nhau nên trong quá trình xử lý nợ xấu cũng không thể giống nhau. Đối với nước ta, nguồn lực từ Chính phủ, ngân sách hạn chế. Do vậy, thời điểm này việc phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu là phù hợp. Nhưng việc phát hành bao nhiêu trái phiếu cũng cần cân nhắc, làm sao vừa đủ để đảm bảo xử lý nợ xấu hiệu quả.
Theo Dự thảo Thông tư về hoạt động của VAMC, một trong những điều kiện để VAMC mua nợ là khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản. Trong đó, không dưới 65% tổng giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản. Quan điểm của bà?
Khi NHNN đưa ra chỉ đạo cụ thể trong mua bán nợ tức là họ cũng khảo sát kỹ tình hình các NHTM. Vấn đề ở đây là liệu các NHTM có phản ánh đúng thực trạng nợ xấu của mình hay không. Theo tôi chủ trương của NHNN là đúng đắn. Tuy nhiên hiện các ngân hàng đang kỳ vọng vào hoạt động của VAMC phải có cơ chế vượt hẳn so với hiện tại.
Theo quy định hiện nay, trong hệ thống văn bản pháp quy áp dụng để xử lý tài sản thế chấp chưa có một khung pháp lý cao hơn nhằm đáp ứng yêu cầu hiện tại. Có thể nói xử lý tài sản đảm bảo liên quan đến bất động sản trong thời gian qua rất khó khăn. Thủ tục hành chính rườm rà, qua nhiều cơ quan thẩm quyền và mất nhiều thời gian mới xử lý, phát mại được tài sản…
Đây là điều các ngân hàng e ngại. Vì khi ngân hàng bán nợ cho VAMC, sau đó quá trình xử lý tài sản thế chấp lại cũng dài như NHTM đã và đang vấp phải thì tiếp tục làm giảm giá trị khoản nợ của họ. Điều này vừa ảnh hưởng tới tình hình tài chính, hoạt động của NHTM nói chung cũng như VAMC nói riêng. Tôi hy vọng thời gian tới Chính phủ sẽ có giải pháp tích cực hơn đối với cơ chế chính sách giải quyết tài sản đảm bảo khi xử lý nợ.
Có nhiều ý kiến cho rằng VAMC nên dùng vốn ngoại để xử lý nợ xấu, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Tôi nghĩ rằng NHNN cũng đang cân nhắc xem xét. Nhưng trước mắt theo tôi, từng ngân hàng làm sao xác định đúng trạng thái nợ, căn cứ sức khỏe nội tại và định hướng hoạt động…để đưa ra phương án phù hợp nhất cho mình khi bán nợ. Ngoài ra, dù không quá kỳ vọng nhưng cũng nên đặt niềm tin tưởng sự công khai, minh bạch trong hoạt động của VAMC.
Nguồn Thời báo Ngân hàng