Ngân hàng kinh doanh trái phiếu Chính phủ lãi hay lỗ?
Báo cáo tài chính tính đến thời điểm 31/12/2012 của các ngân hàng cho thấy, VietinBank đang nắm lượng chứng khoán nợ của Chính phủ, chủ yếu là TPCP, có giá trị 44.500 tỷ đồng sẵn sàng để bán, trong khi BIDV và MB cùng có danh mục TPCP sẵn sàng để bán trị giá hơn 35.000 tỷ đồng.
Vietcombank chỉ có lượng TPCP sẵn sàng để bán trị giá 15.700 tỷ đồng, nhưng lượng tín phiếu mà ngân hàng này nắm giữ lên tới 43.000 tỷ đồng, nâng tổng giá trị nắm giữ chứng khoán nợ của Chính phủ lên 58.700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 4 ngân hàng này đều để một lượng TPCP và tín phiếu trị giá một vài nghìn tỷ đồng giữ đến ngày đáo hạn.
Ngoài các ngân hàng kể trên, Agribank, Maritimebank và Techcombank cũng là những ngân hàng nằm trong nhóm những tổ chức mua TPCP nhiều nhất, nhưng chưa hoặc không có thông tin chi tiết về lượng chứng khoán nợ của Chính phủ mà các ngân hàng này nắm giữ đến thời điểm 31/12/2012. Báo cáo giữa năm 2012 của Techcombank cho thấy, vào thời điểm 30/6/2012, Ngân hàng chỉ nắm giữ lượng TPCP khiêm tốn là 5.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc các ngân hàng có lãi lớn nhờ vào lượng TPCP này hay không trước hết phụ thuộc vào mức giá mua vào. Dựa vào diễn biến lợi suất TPCP năm vừa qua, lượng trái phiếu giá thấp được gom vào thời gian nửa đầu năm 2012 hoặc quý III/2012.
Bên cạnh đó, khả năng lãi hay không từ TPCP sẽ phụ thuộc vào việc các ngân hàng có thực hiện chốt lãi hay không. Tính đến thời điểm 31/12/2012, mức lãi danh mục chứng khoán đầu tư mới chủ yếu là mức lãi dự thu, phản ánh chênh lệch giữa lợi suất hiện tại trên thị trường và chi phí vốn của danh mục.
Hiệu quả đầu tư của các ngân hàng tại mảng "chứng khoán đầu tư", bao gồm phần lớn TPCP và một phần cổ phiếu và trái phiếu của các tổ chức kinh tế khác, khá trái ngược nhau.
Tính đến cuối năm 2012, VietinBank đang đạt hiệu quả cao nhất với lãi dự tính lên tới 517,5 tỷ đồng so với con số lỗ 497 tỷ đồng trong năm 2011. Vietcombank cũng lãi cao 226,7 tỷ đồng, tăng vọt so với con số lãi chưa đầy 50 tỷ đồng của năm trước đó.
Ngược lại, MB chỉ đạt 1,9 tỷ đồng lãi mảng chứng khoán đầu tư, giảm mạnh so với mức 19,3 tỷ đồng năm 2011. Techcombank thậm chí lỗ 118 tỷ đồng ở mảng này sau khi lãi 410 tỷ đồng trong năm 2011.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán