Thứ Tư | 17/04/2013 08:04

Ngân hàng không thích áp trần lãi suất cho vay

Hiện mức lãi biên (chênh lệch lãi suất cho vay và huy động của ngân hàng) trên thực tế vẫn khá cao, phổ biến ở mức 5-6%/năm.
Chênh lệch lãi suất còn khá cao

Theo khảo sát, tại nhiều ngân hàng, lãi suất cho vay phổ biến với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện là 14-15%/năm, lãi suất cho vay tiêu dùng là 16-16,5%/năm. Với một số gói vay, doanh nghiệp có thể được hưởng lãi suất ưu đãi trong khoảng thời gian đầu. Như vậy, lãi suất cho vay đã cao gấp đôi so với lãi suất huy động.

TS. Nguyễn Đại Lai, chuyên gia lĩnh vực ngân hàng nhận xét, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay còn cao do một số nguyên nhân, trong đó có lý do tăng trưởng tín dụng thấp, nên các ngân hàng phải đẩy lãi suất cho vay cao, để bù đắp lợi nhuận.

Theo tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên đã giảm mạnh, song trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực này vẫn phải vay vốn với lãi suất cao.

Lãnh đạo một công ty ở Gia Lai tiết lộ, công ty này vẫn phải đang vay vốn ngân hàng với lãi suất 15,6%/năm trong năm 2013, dù cà phê là lĩnh vực ưu tiên. Một ví dụ nữa là lĩnh vực nuôi cá tra, dù Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại Nhà nước áp lãi suất cho vay tối đa 11% với lĩnh vực này. Tuy nhiên, kết quả khảo sát gần đây cho thấy, lãi suất cho vay với doanh nghiệp nuôi cá tra thấp nhất mà các ngân hàng áp dụng cũng lên tới 13%/năm.

Giá vốn vẫn là 10 - 12%/năm?

Lý giải về mức lãi suất cho vay cao gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm, phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho hay, dù lãi suất huy động đã hạ, nhưng giá vốn huy động bình quân của nhiều ngân hàng vẫn là 10-12%/năm. Do đó, lãi suất cho vay cũng chưa thể hạ được.

Thừa nhận vấn đề này, ông Lê Quang Trung, quyền Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB Bank) cho biết, không phải tất cả đối tượng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên hiện nay đều được ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi, mà còn tùy thuộc vào sức khỏe của từng doanh nghiệp.

Được biết, hiện lãi biên được các ngân hàng mặc định là 3,5-4,5%, tùy vào đối tượng vay. Tuy nhiên, mức lãi biên này được tính toán trên lãi suất tham chiếu là giá vốn bình quân của ngân hàng, chứ không phải tính trên trần lãi suất huy động hiện hành.

Nên áp trần lãi suất cho vay?

Trên thực tế, trần lãi suất cho vay đã được NHNN áp dụng từ lâu, nhưng chỉ với các lĩnh vực ưu tiên (hiện là 11%/năm). Dù vậy, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế đều cho rằng, trần lãi suất này vẫn đứng ở mức cao.

TS.Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, trong điều kiện lạm phát có xu hướng tiếp tục giảm như hiện nay, lãi suất huy động nên được hạ xuống 6%-7% và lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên nên ở mức 9%-10%.

Bên cạnh đó, TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho biết: "Bỏ trần huy động. Việc này sẽ khiến lãi suất cho vay giảm nhanh, đồng thời giúp các ngân hàng cạnh tranh lành mạnh".

Tuy nhiên, việc áp trần lãi suất cho vay không được nhiều ngân hàng TMCP ủng hộ. Ông Cấn Văn Lực, Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV cho rằng, việc áp trần lãi suất cho vay sẽ đánh đồng rủi ro của các khách hàng với nhau, trong khi nguyên tắc là khách hàng tốt sẽ được hưởng lãi suất cho vay thấp, còn khách hàng rủi ro thì phải chịu lãi suất cao.

Được biết, về vấn đề này, quan điểm của NHNN vẫn là không áp trần lãi suất cho vay với tất cả lĩnh vực, bởi nếu không, dòng vốn sẽ bị chảy về những lĩnh vực không ưu tiên. Tuy nhiên, nếu không áp trần, NHNN sẽ phải có biện pháp quyết liệt hơn để hạ lãi suất cho vay trên thực tế.

Nguồn Đầu tư


Sự kiện