Thứ Hai | 05/11/2012 14:16

Ngân hàng không dễ tăng vốn năm nay

Kế hoạch tăng vốn của nhiều nhà băng chưa được triển khai, mặc dù trước đó, hầu hết các ngân hàng đã cho biết, sẽ hoàn tất kế hoạch trong năm nay.
Trong tờ trình Đại hội cổ đông năm 2012, không ngân hàng nào bỏ sót việc tăng vốn điều lệ, với mục tiêu nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước đang đẩy mạnh thực hiện đề án tái cấu trúc ngành và làn sóng hợp nhất, sáp nhập ở lĩnh vực này đang rất nóng.

Ví dụ như Ngân hàng Nam Á (NamA Bank) lên kế hoạch tăng vốn từ mức 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng năm nay. Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) xây dựng chỉ tiêu nâng vốn từ mức 4.200 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Ngân hàng Việt Á (VietABank) có kế hoạch nâng vốn lên 5.000 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2011. Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Đông (OCB) đưa ra kế hoạch tăng vốn từ 3.400 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng vào cuối năm 2012.

Làn sóng tăng vốn điều lệ tiếp tục nóng lên khi xu hướng việc mua bán và sáp nhập (M&A) ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng dự báo sẽ sôi động trong thời gian tới. Vì thế, để tránh bị thôn tính, các nhà băng có năng lực tài chính và sức cạnh tranh còn yếu phải từng bước củng cố nội lực bằng cách tăng vốn.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng thương mại đều chưa được triển khai.

NamA Bank vẫn chưa triển khai kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn lên 3.700 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị của OCB cũng cho hay, họ đang trong quá trình cân nhắc thời điểm phù hợp, nhưng chưa thể khẳng định có hoàn thành được kế hoạch tăng vốn trong năm nay hay không. Năm 2011, kế hoạch tăng vốn của OCB đã không thành công. Ngân hàng chỉ hoàn thành được 88,7% kế hoạch đề ra. OCB cho biết, nguyên nhân của thất bại là do việc huy động vốn từ các cổ đông hiện hữu gặp khó khăn.

Riêng Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) đã hoàn tất việc phát hành thêm 500 tỷ đồng cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng. Kế hoạch tiếp theo của DongA Bank là sẽ phát hành thêm 1.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1 để nâng vốn lên mức 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc hoàn thành được kế hoạch nâng vốn trong năm nay là chưa thể khẳng định.

Theo lý giải của các nhà băng, sở dĩ ngân hàng phải lùi kế hoạch tăng vốn vào thời điểm cuối năm là do tình hình thị trường chứng khoán năm nay giảm sút, giá cổ phiếu ngân hàng chưa được cải thiện. Mặt khác, hiện các nhà băng cũng khó có thể kỳ vọng vào cổ đông chiến lược trong và ngoài nước.

Được biết, một số ngân hàng có cổ đông chiến lược nước ngoài (như OCB và ABBank) thì tỷ lệ cổ phần nắm giữ đã chạm tới ngưỡng cho phép là 20%. Còn một số ngân hàng có cổ đông chiến lược trong nước là tập đoàn tài chính lớn, thì cũng đang phải thu hẹp đầu tư ngoài ngành, vì thế, việc tăng vốn của các nhà băng cũng sẽ không nhận được sự hỗ trợ từ các cổ đông lớn này.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện