Ngân hàng "kết duyên" công ty tài chính
Ai đủ “tư cách”?
Theo Thông tư 30 do Ngân hàng Nhà nước ban hành vào cuối tháng 12 vừa qua, các cổ đông là doanh nghiệp cần phải có khoảng 500 tỉ đồng vốn điều lệ và hơn 1.000 tỉ đồng quy mô tài sản. Còn đối với các ngân hàng, cần có quy mô tài sản 100.000 tỉ đồng và phải đảm bảo các yếu tố an toàn trong hoạt động như trích lập dự phòng, hay tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu. Các ngân hàng cũng không thể đồng thời là cổ đông chiến lược, sáng lập hay sở hữu một tổ chức tín dụng nào khác. Với quy định mới, trên thị trường hiện nay, có đến gần phân nửa “chàng rể” không đạt tiêu chuẩn.
Sự kết hợp giữa ngân hàng và công ty tài chính được quan tâm là bởi thời gian gần đây, nhiều ngân hàng tỏ rõ ý định sở hữu một công ty tài chính. Mùa đại hội cổ đông năm 2015, hàng loạt ngân hàng dự định thành lập công ty tài chính tiêu dùng, hoặc thành lập mới, hoặc mua lại, hoặc chuyển đổi các công ty tài chính hiện hữu. Trong số này có thể kể đến BIDV, VietinBank, Ngân hàng Á Châu, Sacombank.
Trước đó, cũng có các ngân hàng mua lại công ty tài chính như VPBank, Techcombank, SHB, Maritime Bank hay Ngân hàng Quân Đội. Song có một điểm chung dễ dàng nhận thấy, đây đều là những ngân hàng có quy mô vốn lớn.
Trong khi đó, số ngân hàng nhỏ không đạt tiêu chí về quy mô vốn vẫn còn nhiều. Chẳng hạn như HDBank, DongA Bank, VIB, PVcomBank, PGBank, Nam A Bank, SeABank, OCB, NCB, ABBank, Bac A Bank, Saigonbank, Viet A Bank, Kienlongbank, TPBank, Viet Capital Bank. Trong số này, hiện có HDBank là đang sở hữu Công ty Tài chính HD Saison (tỉ lệ 49%). HDBank có quy mô tài sản sắp vượt lên mốc 100.000 tỉ đồng.
Từ nay đến khi Thông tư chính thức có hiệu lực là gần 1 tháng, để được thành lập công ty tài chính với vai trò là cổ đông sáng lập, các ngân hàng phải tăng tổng tài sản lên theo quy định. Họ có thể làm điều này thông qua các hoạt động chính của các tổ chức tín dụng như huy động vốn hoặc cho vay nhiều hơn.
Trong quá khứ, đã có những ngân hàng lên nhanh nhưng xuống cũng nhanh về quy mô tổng tài sản. Một ví dụ điển hình là Eximbank. Năm 2010, quy mô tài sản Eximbank tăng gấp đôi so với năm trước đó, trong đó đóng góp phần lớn là từ thị trường liên ngân hàng, cho vay khách hàng, đầu tư chứng khoán, tiền gửi khách hàng. Quy mô này tiếp tục mở rộng trong năm 2011 với mức tăng 40%, trong đó có liên quan nhiều đến thị trường liên ngân hàng và vàng. Tuy nhiên, đến năm 2012, quy mô tài sản của Eximbank đã bắt đầu giảm mạnh do ảnh hưởng từ sự sa sút của hai thị trường nói trên.
Vậy liệu quy định trên có hợp lý? Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, việc kiểm tra tư cách cổ đông là đúng, song cơ quan quản lý chỉ nên giám sát ở khía cạnh là các chỉ số an toàn trong hoạt động.
Tái cấu trúc công ty tài chính
Sau một thời gian tái cấu trúc ngân hàng, cơ quan quản lý cũng đang hướng đến các công ty tài chính. Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 34 quy định về hoạt động của các công ty tài chính, còn Thông tư ra đời vào tháng 12.2015 có nêu thêm những tiêu chuẩn để chọn các “chàng rể” tốt cho loại hình công ty tài chính.
Trước đó đã có dự thảo về việc các ngân hàng muốn cho vay tiêu dùng thì cần phải sở hữu một công ty tài chính tiêu dùng. Điều đó dẫn đến một nghịch lý là các ngân hàng nhỏ muốn cho vay tiêu dùng phải có công ty tài chính, song muốn có công ty tài chính thì buộc phải là ngân hàng có quy mô lớn. Dù vậy, theo Tổng Giám đốc một ngân hàng có quy mô nhỏ (không muốn nêu tên), cơ quan quản lý vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn cho những trường hợp này. Nghĩa là các ngân hàng vẫn hoạt động một cách bình thường.
Ý định của Ngân hàng Nhà nước có lẽ là chuyển các hoạt động nhiều rủi ro ở ngân hàng sang công ty tài chính, chẳng hạn như lĩnh vực phát hành thẻ tín dụng. Song mặt khác, cơ quan quản lý có vẻ như cũng muốn “tận dụng” các ngân hàng để tranh thủ tái cấu trúc hệ thống công ty tài chính còn yếu kém. Nếu có ý muốn như vậy, việc yêu cầu các ngân hàng lớn hơn mới được quyền sở hữu để “kèm cặp” nhóm yếu hơn là điều dễ hiểu.
Có thể thấy, các công ty tài chính ở Việt Nam ra đời nhiều vào năm 2008 và gần như mỗi tập đoàn nhà nước đều có công ty tài chính riêng của mình. Mặc dù được hậu thuẫn bởi các cổ đông có tiềm lực nhưng nhiều công ty tài chính có kết quả kinh doanh không mấy lạc quan. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước từ năm 2011 đến nay, quy mô vốn chủ sở hữu của hệ thống công ty tài chính luôn thấp hơn vốn điều lệ. Điều này đồng nghĩa với việc kinh doanh thua lỗ, cụt dần cả vốn.
Việc mạnh tay cho vay trong khoảng thời gian trước là một nguyên nhân chính khiến các công ty tài chính phải nhận lấy những khoản nợ khó thu hồi. Ví dụ như Tài chính Sông Đà có tỉ lệ nợ xấu lên đến 80,4% cuối năm 2014, trong khi con số này ở Tài chính Cao Su là 83%. Kết cục là hồi cuối năm ngoái, Tài chính Cao su đã chính thức chấm dứt hoạt động và các nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đã được chuyển về Tập đoàn Cao su.
Một tin vui là số liệu tài chính của ngành cũng có tín hiệu tích cực hơn trong thời gian gần đây. Cuối năm 2013, tỉ lệ vốn chủ sở hữu trên vốn điều lệ chỉ có hơn 14%, nhưng con số này đã tăng lên đến 91,2% vào cuối tháng 11.2015, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước.
Một lý do có lẽ là nhờ vào sự “dọn dẹp” thị trường gần đây. Năm 2015 đã ghi nhận 4 trường hợp “kết duyên” giữa ngân hàng và công ty tài chính, bao gồm MaritimeBank và Tài chính Dệt may, Techcombank và Tài chính Hóa chất, SHB và Tài chính Vinaconex-Viettel, gần đây nhất là Ngân hàng Quân Đội với Tài chính Sông Đà. Trong năm 2016 không có gì ngạc nhiên nếu các cuộc M&A tiếp theo diễn ra giữa các ngân hàng lớn và những công ty tài chính khác trên thị trường.
Thanh Phong