Ngân hàng giảm mạnh lãi suất vay tiêu dùng
Vay tín chấp 10,8%/năm
Anh Ngô Thanh Dũng, quận 7, TP.HCM đang cần số tiền khoảng 100 triệu cho kế hoạch sửa nhà cuối năm, anh đang tính vay ngân hàng tín chấp bằng lương vì nghĩ rằng lãi suất đang giảm.
Tham khảo các cán bộ tín dụng tại một số ngân hàng anh Dũng được biết cho vay tiêu dùng vẫn được các ngân hàng chào mời, nhưng hiện một số ngân hàng ngưng cho vay tín chấp như ngân hàng Việt Á (VietABank), nhưng nếu khách hàng có tài sản đảm bảo thì vẫn được vay với mức lãi suất 3 tháng đầu chỉ 8%/năm, từ tháng thứ 4 trở đi lãi suất khoảng 11-12%/năm.
Ngân hàng Đông Á chỉ cho vay tín chấp nếu khách hàng được chi lương qua Đông Á, với mức vay tín chấp tối đa là 4 lần lương, lãi suất là 1,35%/tháng. Cán bộ tín dụng ở đây cũng cho biết anh Dũng có thể vay cầm cố sổ tiết kiệm với mức lãi suất là: lãi suất sổ tiết kiệm + 3,4%/năm.
Ngân hàng Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank) cũng hạn chế cho vay tiêu dùng tín chấp. Vì muốn vay tín chấp nên anh Dũng được một cán bộ tín dụng của HDBank tư vấn mở thẻ tín dụng. Nếu mở thẻ tín dụng với mức lương 7 triệu đồng/tháng thì hạn mức tối đa cũng chỉ 5 lần lương là 35 triệu đồng, nhưng khi rút tiền mặt đã phải chịu 4% số tiền rút ra. Lãi suất cho vay tín chấp tại HDBank khá cao lên đến 18%- 20%/năm.
Còn nếu vay tiêu dùng thế chấp bằng bất động sản thì HDBank đang có chương trình rất hấp dẫn với mức lãi suất 3 tháng đầu chỉ 6,88%/năm, các tháng tiếp theo sẽ là 12%/năm, hoặc khách hàng chọn vay với mức lãi suất cố định trong thời gian vay là 9,99%/năm đang được nhiều khách hàng tìm hiểu.
Tìm đến các ngân hàng lớn, anh Dũng được biết ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ cho vay tín chấp tới 10 lần lương nếu anh nhận lương qua tài khoản tại BIDV, khoảng 70 triệu đồng. Còn nếu anh Dũng nhận lương qua tài khoản của ngân hàng khác thì mức tối đa được vay là 5-7 lần lương. Lãi suất vay qua lương được BIDV tính là 12,2%/năm, 6 tháng điều chỉnh một lần.
Hiện lãi suất cho vay tín chấp tại ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) rất thấp chỉ 10,8%/năm nhưng điều kiện vay tín chấp khá chặt. Vietcombank chỉ cho vay tín chấp với khách hàng trả lương qua Vietcombank, công ty của người vay phải ký thỏa thuận hợp tác bảo lãnh cho cá nhân đi vay, thường thì cấp cán bộ quản lý, điều hành dễ vay hơn.
Còn đối với vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo lãi suất Vietcombank áp dụng chỉ 7,99%/năm cố định trong 12 tháng đầu, những tháng tiếp theo là lãi suất tiết kiệm 24 tháng + 3,5%, tính ra khoảng 10,3%/năm.
Với loạt tham khảo lãi suất các ngân hàng anh Dũng quyết định vay vốn tín chấp tại BIDV, dù lãi suất tại Vietcombank thấp hơn rất nhiều nhưng anh Dũng không đủ điều kiện và thấy rằng lãi suất ở ngân hàng có vốn nhà nước chi phối thường thấp hơn các ngân hàng cổ phần tư nhân.
Chọn lọc tài sản đảm bảo
Thủ tục, hồ sơ cho vay đối với khoản vay tín chấp bằng lương thì khách hàng chỉ cần giấy xác nhận lương 03 tháng, hợp đồng lao động và hộ khẩu là có thể được giải ngân.
Còn đối với vay bằng tài sản đảm bảo bằng bất động sản sau khi khách hàng nộp đầy đủ hồ sơ và bất động sản đó được công chứng thì ngân hàng xét duyệt trong 1-3 ngày là giải ngân.
Tuy nhiên, với bất động sản là nhà hay căn hộ tùy từng ngân hàng sẽ xem xét điều kiện của nhà/căn hộ đó thuộc vị trí chấp nhận được thì mới xét duyệt. Chẳng hạn, nhà trong hẻm thì chiều ngang của hẻm tối thiểu phải rộng 1m, hẻm sâu hay hẻm cụt và có liên thông với đường lớn hay không. Những vị trí của nhà/căn hộ sẽ ảnh hưởng đến việc định giá tài sản để ước lượng giá trị khoản vay cho khách hàng.
Thường hiện nay ngân hàng cũng xác định giá trị tài sản là nhà/căn hộ khá sát giá thị trường nên khách hàng không lo giá trị nhà/căn hộ bị định giá thấp. Nhưng với khoản vay tiêu dùng khách hàng vay không lớn nên vấn đề là lãi suất và thu nhập của khách hàng tính toán sao đủ khả năng trả nợ. Hiện nay lãi suất cho vay tiêu dùng cũng đã giảm khá nhiều so với đầu năm từ 3-4%/năm, cán bộ một ngân hàng cho hay.
Lãnh đạo một ngân hàng trên địa bàn TP.HCM cho biết các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để tăng tín dụng cuối năm. Bây giờ ngân hàng không phân biệt nhiều lắm vấn đề khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp nặng như trước kia, mà tính đến khả năng cho vay ra để thu vốn về được hay không. Thường cho vay cá nhân nếu có nợ xấu cũng dễ xử lý hơn cho vay doanh nghiệp.
Nguồn Bizlive