Ngân hàng gặp khó, các doanh nghiệp “rủ nhau” thoái vốn
Đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng trước đây được coi là một sự lựa chọn khôn ngoan. Tuy nhiên, khủng hoảng nợ xấu và hàng loạt các vụ án kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng đã phần nào khiến các nhà đầu tư cá nhân hoảng sợ. Các doanh nghiệp cũng vậy. Báo cáo năm 2012 đã đưa ra con số không ít doanh nghiệp thoái toàn bộ cổ phiếu trước đó đã đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng.
Những thông tin thoái vốn của doanh nghiệp khỏi ngân hàng thường diễn ra khá âm thầm. Đơn giản vì quy mô ngân hàng thường rất lớn, và không nhiều doanh nghiệp là cổ đông lớn của ngân hàng, việc công bố thông tin là không bắt buộc.
Những vụ thoái vốn hoàn toàn
Trước giờ sáp nhập, điểm lại tình hình quản trị tại Sacombank (STB), có thể thấy một loạt vụ thoái vốn của các cá nhân lẫn tổ chức.
Năm 2012 ghi nhận 15 giao dịch thoái vốn khỏi Sacombank, trong đó có 6 giao dịch thoái vốn hoàn toàn (5 vụ tổ chức và 1 vụ cá nhân thoái vốn).
Các cổ đông thoái toàn bộ vốn khỏi Sacombank gồm công ty CP Bourbon Tây Ninh - SBT (7,5 triệu); công ty CP Đường Ninh Hòa – NHS (5.168.444 cổ phần); công ty CP Đường Biên Hòa - BHS (1.442.100 cổ phần); Cơ điện lạnh – REE (42.139.266 cp); Cổ đông lớn Australia and New Zealand Banking Group Limited thoái toàn bộ 103.256.415 cổ phần, tương đương tỷ lệ 9,61%.
Gần đây có thể kể đến trường hợp SRF thoái 10.000 cổ phiếu ACB, 6.110 cổ phiếu VCB và114.592 cổ phiếu OCB trong danh mục đầu tư ngắn hạn.
Cũng trong báo cáo cuối năm, ACBS cho biết đã thoái sạch vốn đầu tư vào 6 ngân hàng: Đông Á,Techcombank, Phương Đông, MBB, DaiABank, Giadinhbank. SVC cũng đã chuyển nhượng toàn bộ 12,14 triệu cổ phiếu OCB với tổng giá trị chuyển nhượng 133,53 tỷ đồng, ghi nhận trong tháng12/2012. Trước đó, cổ phiếu Westernbank đã được hai doanh nghiệp SGT và KBC thoái toàn bộ…
Doanh nghiệp được gì?
Thoái vốn khỏi ngân hàng, đặc biệt là đối với các ngân hàng mà doanh nghiệp là cổ đông lớn, bất lợi đầu tiên có thể kể đến là việc chủ động nguồn vốn khó khăn hơn. Nói gì thì nói, một khi là cổ đông, đặc biệt là cổ đông lớn, doanh nghiệp sẽ có được ít nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Tuy nhiên có vẻ như điều đó chưa đủ sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp, khi nguồn vốn tín dụng đang ngày càng được khơi thông.
Trong báo cáo năm 2012, SRF cho biết công ty đã thoái toàn bộ cổ phiếu ngân hàng trong danh mục đầu tư ngắn hạn, chỉ giữ lại số cổ phiếu lẻ. Giá trị chuyển nhượng không được công bố. Theo báo cáo dòng tiền, việc thoái vốn tại các đơn vị giúp công ty thu về 4,88 tỷ đồng, thấp hơn giá trị sổ sách ghi nhận các món đầu tư mà SRF đã trao tay (bao gồm cả đầu tư ngắn và dài hạn).
SVC là trường hợp hiếm hoi khi công ty tự nguyện cung cấp thông tin giao dịch cổ phiếu OCB (SVC không phải là cổ đông lớn của OCB). Theo đó, trên 12 triệu cổ phiếu của ngân hàng này đã được SVC chuyển nhượng với giá 11.000 đồng. Chưa biết lời lãi của khoản đầu tư này thế nào, nhưng trước mắt công ty đã có nguồn tiền 133,5 tỷ đồng trong quý 4/2012.
Đầu năm 2012, SGT ghi nhận số dư khoản đầu tư 18,8 triệu cổ phiếu của Westernbank với tổng giátrị 302,1 tỷ đồng, tương đương 16.060 đồng/Cổ phiếu. Tuy nhiên, đến cuối quý 3, SGT đã chuyểnnhượng hết toàn bộ số cổ phiếu này cho 2 cá nhân, với giá vỏn vẹn 10.000 đồng/cổ phiếu. Không cầntư duy nhiều cũng biết khoản thiệt hơn của SGT trong thương vụ thoái vốn này.
Cũng với ngân hàng này, trong quý 3, KBC đã công bố thoái toàn bộ 26,55 triệu cổ phiếu mà công ty sở hữu, trị giá 265,5 tỷ đồng. Giá chuyển nhượng không được công bố.
Điểm qua các thương vụ thoái vốn ngân hàng, có thể nhận thấy hầu hết các trường hợp công ty đều không thu được lợi nhuận, nếu không muốn nói là phải chịu lỗ. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận, đối với các doanh nghiệp, việc thoái vốn đã phần nào giúp họ có thể thu xếp được một nguồn tiền đáng kể, thay vì phải vay vốn với các thủ tục không đơn giản.
Nguồn CafeF