Ngân hàng-FinTech: Thử nghiệm chính sách nhưng kiểm soát được
Khảo sát toàn cảnh hệ thống ngân hàng năm 2018 của Ernst & Young (EY), chỉ rõ, năm 2018, đầu tư công nghệ trở thành ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng, thay vì ưu tiên cho quản lý rủi ro, quản lý rủi ro danh tiếng, quản lý con người.
FinTech được sử dụng chung cho tất cả các công ty sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư.
Tại Việt Nam, hiểu biết về FinTech đang thay đổi, tốt hơn hai năm trước. Khách hàng đang được trải nghiệm nhiều hơn bởi sự sáng tạo của các công ty FinTech. Điều này giúp giảm thiểu 3 yếu tố: rủi ro về mặt tác nghiệp, rủi ro nếu có gian lận và nâng hiệu quả hoạt động của các ngân hàng.
Nút thắt lớn nhất
Theo khảo sát của EY, Việt Nam là quốc gia có số lượng các chương trình Incubator, Accelerator và các chương trình tương tự nhiều thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore, với 90% khoản thanh toán được thực hiện bằng tiền mặt.
Quá trình số hóa hệ thống ngân hàng đang diễn ra nhưng có quá nhiều vấn đề được đặt ra. Chẳng hạn, các nhà hoạch định chính sách cần làm gì để liên kết ngân hàng với các công ty FinTech, hay các ngân hàng phải làm gì để số hóa hệ thống, hoặc các ngân hàng nên hợp tác các công ty FinTech để số hóa lĩnh vực nào ?
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam, chia sẻ với NCĐT hôm 12.4, về “nút thắt lớn nhất” hiện nay. Với “quá nhiều cái không được làm”, bà Dương nói hành lang pháp lý đang gây cản trở rất lớn cho các hoạt động chung của ngân hàng và công ty Fintech, khiến ngân hàng đi đường ngân hàng, FinTech đi đường FinTech.
Theo quan sát của bà Dương, nhiều ngân hàng cũng tính đến tối ưu hóa trong bối cảnh hầu hết quy trình vận hành được “làm bằng tay”. Một số khác đã tự số hóa hệ thống bằng đội ngũ công nghệ của mình, trong khi một số khác nữa đã hợp tác với các công ty FinTech để số hóa hệ thống của mình.
Số lượng những liên kết ngân hàng – Fintech là chưa nhiều dù các công ty FinTech đang cố gắng tiếp cận các ngân hàng. Với uy tín nhiều chục năm, các ngân hàng nghĩ nhiều hơn về rủi ro giá trị cổ phiếu, danh tiếng… hơn là các giải pháp liên kết hiệu quả.
Cũng nên nhìn nhận một cách khách quan về “nỗi sợ riêng” của các ngân hàng khi hầu hết các công ty FinTech chỉ do một vài người làm chủ, rủi ro về mức độ tập trung vào một cá nhân rất lớn. Các công ty FinTech, nhất là những FinTech startup, hầu hết là người trẻ, có sức sáng tạo nhưng hạn chế một số mặt trong kinh doanh, nhất là kinh nghiệm quản trị rủi ro.
Các công ty FinTech chủ yếu là trung gian thanh toán, chiếm tới 47% trong tổng số các công ty của Việt Nam, cao nhất trong khu vực ASEAN. Trong khi EY chia các công ty FinTech thành 16 lĩnh vực khác nhau, trong đó có công ty chuyên về nhận dạng khách hàng bằng vân tay hay bằng sinh trắc học, hay tập trung cho xếp hạng tín dụng, hoặc chỉ làm thu thập dữ liệu..., bà Dương chia sẻ.
Thử nghiệm trong “kiểm soát được”
Dự đoán về viễn cảnh kinh tế cho tương lai được phỏng đoán trên nhiều giả thiết, nhưng giả thiết về công nghệ là rất rõ ràng. Chẳng hạn, Uber, một công ty công nghệ, không ai nghĩ có thể trở thành “hãng taxi” lớn nhất thế giới.
Ông Jan Bellens, Phó Chủ tịch Toàn cầu Dịch vụ Ngân hàng và Thị trường Vốn thuộc (EY) cho biết, có 59% ngân hàng được khảo sát dự đoán ngân sách đầu tư vào công nghệ sẽ tăng hơn 10% vào năm 2018 nhằm tăng cường vị trí cạnh tranh.
Công nghệ đang phát triển với tốc độ cao và khó hình dung về sự phát triển của nó trong 3 hay 5 năm tới. Đặc biệt, với phát triển của trí tuệ nhân tạo sẽ đẩy nhanh hơn tốc độ tự động hóa của các ngân hàng và định chế tài chính.
Ngân hàng Nhà nước đã thành lập ban chỉ đạo FinTech, đứng đầu là ông Nguyễn Kim Anh, phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Cạnh đó, một “khung pháp lý thử nghiệm” cũng đang được thực hiện, với đầu mối là Vụ chiến lược thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Các chính sách liên quan đến hoạt động của ngân hàng và FinTech, theo bà Dương, một người dày dạn về dịch vụ tài chính của EY, cần được thử nghiệm trong phạm vi “kiểm soát được” những ảnh hưởng đến hoạt động của chính các ngân hàng.
Bà nói với NCĐT rằng "pháp lý cần cởi mở hơn" để hỗ trợ các ngân hàng và công ty FinTech. Chẳng hạn, khách hàng có thể thông qua thu ngân để mở tài khoản, thay vì tuân thủ quy định phải nhận diện bằng gặp mặt và tiếp xúc lần đầu.
Cùng với đó, các ngân hàng và công ty FinTech cũng cần “mở lòng" để đến được với nhau. Chẳng hạn, để giảm rủi ro, một ngân hàng có thể kết hợp với nhiều công ty FinTech để thực hiện quá trình số hóa, theo bà Dương.
Từ thực tế, các ngân hàng sẽ tụt hậu nếu không thay đổi để đủ sức đối phó với những bước tiến công nghệ mới theo xu hướng cuộc cách mạnh 4.0. Thách thức ngày càng lớn hơn với các ngân hàng có hệ thống cồng kềnh, không bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ, cũng như nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong tương lai những đòi hỏi về nguồn lực cho phát triển ngành ngân hàng cũng sẽ khác. Khách hàng sẽ giao dịch nhiều hơn qua mobile banking, internet banking hoặc trợ lý ảo ở các website, sẽ có nhiều nhân viên chuyển sang làm công việc khác, thay vì ngồi quầy giao dịch.
Bên cạnh sự gia tăng về số lượng, bà Dương hi vọng chất lượng các công ty FinTech sẽ được nâng lên mức cao hơn bởi sự lan tỏa của Chương trình FinTech Tranland Việt Nam 2018, khi 16 công ty vào chung kết sẽ được các ngân hàng, với hỗ trợ kỹ thuật của EY, cùng phát triển các ý tưởng mới.