Thứ Sáu | 21/11/2014 10:42

Ngân hàng được nắm dưới 5% cổ phần của TCTD khác

NHNN quy định ngân hàng được nắm giữ cổ phần của không quá 2 TCTD khác, không được cử người đại diện làm thành viên HĐQT của TCTD khác...

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ 1/2/2015.

Thông tư mới ban hành đã siết quy định về sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng. Theo đó, ngân hàng thương mại, công ty tài chính không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính ngân hàng thương mại, công ty tài chính đó. Không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác người có liên quan của cổ đông lớn, của người quản lý của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đó.

Ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác phải đáp ứng đầy đủ 8 điều kiện quy định trong thông tư tại thời điểm mua, nắm giữ cổ phiếu như giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn vốn điều lệ đã đăng ký, nợ xấu dưới 3%, đảm bảo các giới hạn và tỷ lệ an toàn quy định, không bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian 1 năm trước ngày mua, nắm giữ cổ phiếu...

Đặc biệt là chủ tịch và thành viên khác của HĐQT, HĐTV, Tổng giám đốc, ban kiểm soát, cổ đông lớn của ngân hàng thương mại, công ty con của ngân hàng thương mại và người có liên quan của những người này không mua, nắm giữ, ủy thác vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng đó.

Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng. Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của 1 tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác.

Ngân hàng cũng không được cử người tham gia hội đồng quản trị tại tổ chức tín dụng đã mua, nắm giữ cổ phiếu trừ trường hợp đó là công ty con của ngân hàng hoặc ngân hàng tham gia tái cơ cấu, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định của NHNN.

Tuy nhiên, Thông tư cũng quy định một trường hợp tỷ lệ nắm giữ được vượt giới hạn quy định là khi việc mua, nắm giữ cổ phiếu nhằm tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính cho tổ chức tín dụng gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ mất khả năng thanh toán, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng và được NHNN chấp thuận và khi được NHNN chỉ định theo quy định của pháp luật.

Thông tư quy định mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó vào một doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng... (quy định tài khoản 4 điều 103 Luật các tổ chức tín dụng) không vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.

Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp, bao gồm cả mức vốn cấp, vốn góp vào các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại.

Mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính và các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính vào một doanh nghiệp không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Công ty tài chính không được góp vốn, mua cổ phần quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của mình vào các doanh nghiệp, công ty liên kết.

Thông tư cũng quy định chuyển tiếp đối với TCTD có các khoản góp vốn, mua cổ phần không đảm bảo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư này tại thời điểm thông tư có hiệu lực thi hành thì phải xây dựng phương án xử lý trong đó có biện pháp và kế hoạch thoái vốn trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành.

Ngân hàng có các khoản mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác vượt quá giới hạn quy định không được mua, nắm giữ cổ phiếu của TCTD khác đó cho đến khi tuân thủ quy định, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Người đại diện theo ủy quyền phần vốn góp của ngân hàng là thành viên HĐQT của TCTD nhận vốn góp phải làm đơn xin từ chức thành viên HĐQT để đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm, bãi nhiệm chậm nhất vào cuộc họp Đại hội đồng cổ đông gần nhất tính từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Ngân hàng thương mại phải xây dựng phương án xử lý, trong đó biện pháp và kế hoạch thoái vốn trong 12 tháng kể từ ngày thông tư có hiệu lực.

Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không khắc phục được vi phạm theo thời hạn quy định tại thông tư thì tùy theo mức độ, tính chất rủi ro, NHNN áp dụng các biện pháp xử lý cần thiết bao gồm cả biện pháp tái cơ cấu theo quy định của pháp luật, thu hồi giấy phép đối với tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Nguồn DVO/SBV