Ngân hàng đọng vốn
Lãi suất quá cao đã và đang vượt quá khả năng chịu đựng của nhiều doanh nghiệp (DN). Bởi vậy, hiện tại không ít DN dù được mời chào vay vốn vẫn nhất quyết nói “không”. Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Cao Sĩ Kiêm, nhận định DN xác định có vay cũng phải ở mức thấp, cùng lắm là 10%/năm, không thể kiếm đâu ra được lợi nhuận tới 15-20% trong năm nay để bù cho chi phí vốn, lãi suất cao.
Sự kiệt quệ của các DN, sự cầu toàn và không chấp nhận hy sinh lợi ích để giảm lãi vay xuống thấp đẩy hệ thống NH rơi vào cảnh “tồn kho” tiền. Theo thống kê của NHNN, tín dụng trong tháng 1 đã bị âm 1,06%, tháng 2 âm 0,6%, và cả quý tăng 0,1%. Xu hướng tín dụng tăng trưởng âm đã tạm dừng lại, nhưng rõ ràng so với mục tiêu 12% cả năm thì còn là một khoảng cách quá xa.
Cũng theo báo cáo của cơ quan này, hiện lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao ở mức 9-11%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 11-13%/năm ở khối NHNN, 12-15%/năm ở khối NH cổ phần.
Như vậy, với mức lãi suất huy động 7,5%/năm, biên độ chênh lệch giữa huy động và cho vay đã lên tới 5-8%/năm, theo đánh giá của nhiều chuyên gia là quá cao. Muốn thu được nợ vay và tiếp tục cho vay, NH chỉ còn phương cách duy nhất là hạ lãi suất cho vay, thậm chí phải hạ về mức 8-10%/năm thì mới thoát khỏi tình cảnh ứ vốn hiện nay.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 3.4, một lãnh đạo NHNN khẳng định, hiện nay hệ thống NH đang dư thừa nguồn vốn, con số mới nhất tăng trưởng tín dụng toàn ngành tính đến 29.3 tăng 0,36%, trong đó VND tăng 1,7%, ngoại tệ giảm hơn 6% so với đầu năm. Tín dụng tăng thấp, có nguyên nhân sức cầu của nền kinh tế và sức khỏe DN còn yếu nên chưa tiếp cận được nguồn vốn. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận, lãi vay ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên, hiện vẫn còn khá cao do nhiều khoản tiền gửi trước đó có lãi suất huy động còn ở mức trên 10%/năm chưa đáo hạn. Nhưng thời gian tới cần phải tiếp tục giảm lãi vay xuống nữa để tháo gỡ khó khăn cho DN. “NHNN đang quyết liệt chỉ đạo các NH phải ngồi lại với DN để tiếp tục hạ lãi suất cho vay, chia sẻ lợi ích đôi bên, có như vậy mới khơi thông được dòng tín dụng, khôi phục sản xuất kinh doanh”, lãnh đạo này nói.
(Theo Thanh niên)