Ngân hàng đồng loạt khuyến mãi, vượt trần lãi suất
Không chỉ những ngân hàng nhỏ, hàng loạt ngân hàng lớn những ngày gần đây cũng đồng loạt đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi với giá trị rất lớn để thu hút người gửi tiền.
Không chỉ cạnh tranh bằng giải thưởng, các ngân hàng còn linh hoạt áp dụng nhiều hình thức lãi suất khác nhau tùy theo mức độ “VIP” của khách gửi tiền. Theo khảo sát, tại một số chi nhánh ngân hàng trên đường Lò Đúc, khách gửi tiền với số tiền từ 300 triệu - 500 triệu đồng trở lên vẫn có thể mặc cả lãi suất cao hơn quy định.
Mức lãi suất 10%/năm đối với khách gửi từ 100 triệu đồng trở lên cũng được áp dụng cho kỳ hạn một tháng ở một vài ngân hàng nhỏ. Tuy nhiên, để hợp thức hóa, khách hàng phải tham gia chương trình khuyến mãi của ngân hàng và cam kết không rút tiền trước hạn.
Nhân viên một chi nhánh ngân hàng nằm trên đường Nguyễn Lương Bằng cho biết, mức lãi suất cao nhất của ngân hàng đối với khách gửi tiền kỳ hạn trên 12 tháng là 11,5%/năm nhưng thực tế khách gửi từ trên 100 triệu đồng theo bất cứ kỳ hạn nào, thậm chí là kỳ hạn một tháng cũng đều được trả lãi suất 11,5% (trong khi quy định của NHNN không quá 8%/năm).
“Với khách hàng gửi số tiền vài trăm triệu đồng trở lên chúng tôi sẽ đến tận nhà, cơ quan để làm thủ tục gửi tiền nếu khách yêu cầu” - nhân viên này cho biết.
Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần khác có trụ sở ở Hà Nội, cho biết, hiện đã bão hòa các chương trình dự thưởng, tặng quà nên người dân quan tâm nhiều hơn đến lãi suất thực của tiền gửi. Vì vậy, vẫn có tình trạng ngân hàng trả lãi suất cao hơn mức quy định để thu hút khách hàng gửi tiền với số lượng lớn”.
Quản chặt huy động vốn
Theo thông tin từ NHNN, trong vòng nửa đầu tháng 1, lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm khoảng 0,5%/năm. Hiện nay, lãi suất của tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 1-2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 7,8-8%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên khoảng 10-11%/năm.
Một số NHTM cổ phần có quy mô nhỏ vẫn duy trì lãi suất huy động khoảng 12%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng.
Thành viên HĐQT một ngân hàng lớn có trụ sở ở TPHCM cho rằng việc một số ngân hàng “lén” đẩy lãi suất huy động lên cao cho thấy sức khỏe, khả năng thanh toán của ngân hàng đó yếu. Các ngân hàng này không được tiếp vốn do không đủ tiêu chuẩn vay trên thị trường liên ngân hàng.
Để đảm bảo cho ngân hàng của mình hoạt động bình thường, không có cách nào khác, họ phải đẩy lãi suất huy động trên thị trường một lên để có đủ khả năng cho vay, giữ khách hàng.
“Các ngân hàng này không thuộc diện ngân hàng lớn nhưng việc đẩy lãi suất sẽ khiến người dân đi rút tiền rồi xông tới nơi trả lãi cao gửi. Như vậy sẽ rất nguy hiểm. Ngân hàng Nhà nước cần có đánh giá, uốn nắn kịp thời” - vị này kiến nghị.
Nguyên Thống đốc NHNN, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng để xử lý tình trạng lách trần lãi suất huy động không có cách nào khác, NHNN phải thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém nhanh, mạnh hơn để đảm bảo các ngân hàng này có lối ra, có hướng khắc phục khả năng yếu về thanh khoản, cơ cấu lại nợ có hướng phát triển.
Nguồn Tiền Phong