Thứ Sáu | 25/04/2014 17:00

Ngân hàng "đoạn tuyệt" với vàng

Đến hết quý 1/2014, nhiều NHTM phải cắt giảm nhân sự, thu hẹp mạng lưới giảm chi phí và thậm chí "đoạn tuyệt" với vàng.
z

Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) là một điển hình khi phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2013 đến 372 tỷ đồng. Trong đó có hoạt động kinh doanh vàng, do phải mua tất toán toàn bộ số lượng vàng đã huy động dưới hình thức chứng chỉ tiền gửi vàng trước đây vào ngày 30/6/2013 nên NH này đã mua vào số lượng vàng rất lớn, trong khi số dư nợ cho vay bằng vàng chưa thể thu hồi kịp đã làm hoạt động kinh doanh vàng phải chịu rủi ro tỷ giá, dẫn đến kết quả hoạt động kinh doanh vàng lỗ 115 tỷ đồng.

"Buông vàng" vì lỗ

Thế nhưng, sau khi tất toán trạng thái vàng huy động và chịu khoản lỗ lớn nói trên, đến nay Southern Bank cũng chưa thể tất toán được trạng thái dư nợ cho vay bằng vàng. Số dư nợ cho vay bằng vàng của NH này vẫn còn rất lớn, khoảng 1.000 lượng vàng và Southern Bank đang trong quá trình thương thảo với người vay để chuyển sang VNĐ.

Tương tự, Sacombank cho biết hoạt động tất toán trạng thái vàng trong năm vừa qua khiến NH lỗ đến 524 tỷ đồng. Năm qua, ACB không còn phải "gồng mình" chống lại những thiệt hại do hoạt động kinh doanh vàng gây ra. Trước đó, do phải tất toán trạng thái vàng theo quy định của NHNN trong năm 2012, ACB đã phải chịu khoản lỗ lớn, nhưng đến quý III-2013, ACB đã thoát ra khỏi khoản lỗ vàng. Đến nay hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối mang về cho ACB xấp xỉ 10 tỷ đồng tiền lãi trong quý I/2014.

Thực tế, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong năm vừa qua rất khó khăn. Đối với mảng kinh doanh vàng, các ngân hàng phải mua vàng để tất toán trạng thái vàng, nhưng cùng với đà giảm của giá vàng thế giới, qua 76 phiên đấu thầu vàng miếng, giá vàng miếng SJC giảm gần 12 triệu đồng/lượng (tương đương 25%) tính đến cuối năm 2013.

Hiện nay, việc đóng trạng thái đối với dư nợ cho vay bằng vàng vẫn còn bỏ ngỏ nên NH chưa vội mua. Hiện vẫn còn nhiều NH chưa thể hoàn tất việc tất toán trạng thái dư nợ cho vay bằng vàng. Tổng số lượng dư nợ bằng vàng chưa tất toán còn khoảng 4 tấn. Bởi nhiều khách hàng vẫn chưa muốn chuyển dư nợ bằng vàng sang tiền đồng, vì lãi suất cho vay vàng trước đây thấp nếu chuyển sang VNĐ lãi suất cao.

Ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó Thống đốc NHNN cho biết, việc tồn đọng số dư nợ bằng vàng sẽ không tác động nhiều đến thị trường. Nhưng nếu các NH đồng loạt mua vàng tất toán cũng phần nào tác động đến thị trường. Tuy chưa có hạn định cuối cùng cho việc tất toán trạng thái dư nợ vàng, song NHNN yêu cầu NHTM phải sớm hoàn tất việc đàm phán với khách hàng chuyển đổi dư nợ cho vay bằng vàng sang VNĐ, hoặc mua vàng cân đối để sớm đóng trạng thái năm nay. Nhưng hiện các NH chưa vội mua vàng mà kỳ vọng giá giảm thêm.

Phản ứng thị trường

Dù không dám đặt ra các kịch bản cho thị trường vàng song nhiều chuyên gia đều có chung nhận định, về nhu cầu tất toán của các NH cơ bản đã hết, điều này sẽ khiến mối quan hệ cung cầu sẽ khác đi. Trong khi đó, diễn biến thế giới như hiện nay sẽ không khuyến khích cầu về vàng lớn. Cầu giảm đi, cung bình thường thì bản thân mức chênh lệch thị trường sẽ tự điều chỉnh. Và khi các tổ chức tín dụng tất toán xong trạng thái dư nợ huy động vàng thì sẽ giảm đi một lực cầu đáng kể. Khi đó, chắc chắn giá vàng trong nước sẽ giảm xuống và về gần hơn với giá vàng thế giới.

Thị trường vàng trong nước dù vẫn còn chịu ảnh hưởng từ vàng thế giới, nhưng đang có xu hướng thay đổi. Tuy nhiên, vàng hiếm khi gắn với một kịch bản lâu dài và quan điểm của chúng tôi là do vàng đang dần mất đi những hỗ trợ từ các nhà đầu tư phương Tây, lượng mua vàng vật chất sẽ xem mức giá để làm yếu tố hỗ trợ, nhiều chuyên gia nhận định.

Quan sát trong quí 1/2013, tâm lý của nhà đầu cơ, người dân kinh doanh vàng đang có xu hướng thay đổi, dù vàng tăng giá nhưng khách đến giao dịch chủ yếu để bán vàng, không mua vào ồ ạt như trước. Nhu cầu vàng không có đột biến cũng khiến từ đầu năm đến nay NHNN vẫn chưa tổ chức phiên đấu thầu vàng nào.


Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp


Sự kiện