Thứ Năm | 18/10/2012 13:59

Ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn từ vấn đề tài chính

Ngân hàng đang vướng vào không ít rắc rối từ vấn đề tài chính như: nợ xấu tăng, lợi nhuận giảm, hoạt động cầm chừng, thậm chí trì trệ.
Những tháng đầu năm, không ít ngân hàng đã chọn cách "nuôi nợ" mong lấy lại cả gốc lẫn lãi. Nhưng đến giờ, sau nhiều nỗ lực cả từ phía chính phủ, doanh nghiệp, ngân hàng... sức khỏe của nền kinh tế vẫn không hồi phục mà còn có chiều hướng xấu đi.

Còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm tài chính, nhưng vẫn chưa thấy những triển vọng khả quan. Lãnh đạo nhiều ngân hàng lớn cho biết, tăng trưởng tín dụng để tăng lợi nhuận không còn là mục tiêu hàng đầu của ngân hàng.

Thực tế, vẫn tiếp tục có những chương trình tín dụng ưu đãi được đưa ra, lãi suất hấp dẫn, thủ tục nhanh gọn, lại kèm quà khuyến mãi...

Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, một mặt họ đang phải săn lùng khách hàng tốt, mặt khác là cố gắng thu hồi nợ xấu.

Hay về pháp lý, Ngân hàng Nhà nước đã và sắp ban hành thêm hàng loạt quy định siết lại các hoạt động liên quan đến tài chính - ngân hàng: quy định trần lãi suất, cơ cấu tín dụng, vay, cho vay trên thị trường liên ngân hàng; hoạt động bảo lãnh, ủy thác và nhận ủy thác...

Trong khi đó, về phía doanh nghiệp có thể chia thành các thể trạng: khỏe, bình thường, ốm và yếu.

Có nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tình trạng hiện nay của ngân hàng, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Trong bối cảnh kinh tế trì trệ, ngân hàng trung ương nhiều nước đã cắt giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng cách này rõ ràng khó có thể áp dụng vào Việt Nam lúc này, khi nguy cơ lạm phát đang đe dọa tăng mạnh trở lại.

Hơn nữa, hãy so sánh giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng của GDP có thể thấy, trung bình 6 tháng đầu năm 2012, GDP tăng khoảng 4,3%, trong khi tín dụng âm. 9 tháng năm 2012, ước tính GDP tăng 4,73% so với cùng kỳ năm trước, còn tín dụng chỉ tăng 2,35%.

Nếu so sánh với giai đoạn (2006 - 2010) thì thấy, trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình 33,2%/năm thì tăng trưởng GDP trung bình 7%. Như vậy, hiện nay vốn tín dụng đã được sử dụng hiệu quả hơn trước.

Tình trạng kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay của doanh nghiệp chưa thể cải thiện ngay. Do đó, vẫn cần "tiếp máu" ở mức nhất định để cứu doanh nghiệp. Song, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể đổ tiền ra như cách làm của Mỹ vì sẽ thu về hậu quả xấu hơn là hiệu quả tốt cho nền kinh tế.

Chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn, tạm đóng cửa để sửa sai, đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại một cách toàn diện là lựa chọn đáng xem xét cho ngân hàng, doanh nghiệp và cả nền kinh tế lúc này.

Nguồn Doanh nhân


Sự kiện