Ngân hàng đã tự giải quyết 85.000 tỉ đồng nợ xấu
Trước đó, NHNN cũng cập nhật tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng tính đến hết tháng 6/2013 ở mức 4,46% tổng dư nợ. Như vậy, nợ xấu sau một thời gian có xu hướng giảm, trong tháng 7 đã bắt đầu tăng nhẹ trở lại.
Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của các ngân hàng sau 6 tháng đầu năm, riêng BIDV, Vietcombank và VietinBank nợ xấu đã chiếm tới hơn 23.100 tỉ đồng, gần bằng mức tổng lợi nhuận là 24.000 tỷ đồng của toàn hệ thống. Trong đó, nợ xấu của BIDV gần 9.400 tỉ đồng, của Vietcombank 6.687 tỉ đồng và VietinBank là 7.027 tỉ đồng.
Số nợ xấu của 3 ngân hàng này cũng cao hơn rất nhiều so với tổng nợ xấu của các ngân hàng tốp sau, bao gồm SHB, MB, ACB, Sacombank, Techcombank, Eximbank cộng lại. Trong số các ngân hàng đã niêm yết thì tỷ lệ nợ xấu của SHB đang dẫn đầu với 9% tổng dư nợ, tiếp đến là Navibank với 6,1%. Các ngân hàng còn lại đều có nợ xấu dưới 3% như ACB 2,99%; Sacombank 2,55%: Vietinbank 2,1%; Vietcombank 2,81%; Eximbank 1,49%, MB 2,44%.
Trước đó, theo thông tin từ Thống đốc Nguyễn Văn Bình, từ nay đến cuối năm, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cũng sẽ tham gia xử lý khoảng 30.000 tỉ đồng nợ xấu, góp phần kéo giảm tỷ lệ này xuống.
Liên quan đến đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, ông Bình cho biết sau 2 năm triển khai, NHNN đã chỉ đạo xử lý tái cơ cấu được 8 ngân hàng cổ phần yếu kém, chỉ đạo 3 trong số 4 ngân hàng quốc doanh lớn cổ phần hóa, trong đó 2 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Từ nay đến năm 2015 và xa hơn là 2020, mục tiêu bao trùm là tạo cho hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả, an toàn đủ khả năng cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn khu vực. Vào năm 2015 cố gắng xử lý tồn tại, khó khăn, yếu kém, tạo lập được một kỷ luật thị trường cao hơn. Phấn đấu có từ 1 đến 2 ngân hàng mang tầm cỡ khu vực.
Nguồn Thanh Niên