Thứ Tư | 19/06/2013 08:11

Ngân hàng còn lơ là phòng chống rửa tiền

Quy trình về phòng chống rửa tiền của đa phần các ngân hàng chỉ dừng ở mức tuân thủ, chứ chưa phải nhằm làm giảm rủi ro cho ngân hàng.
Báo cáo tại hội thảo "Phòng chống rửa tiền" được tổ chức hôm 18/6 tại TPHCM, công ty tư vấn giải pháp KOMTEX đã cho rằng quy trình chính sách phòng chống rửa tiền còn sơ sài, mang tính đối phó. Đồng thời ngân hàng cũng thiếu các tiêu chí cơ bản về kỹ thuật, lộ trình triển khai phù hợp với thực tế hiện tại.

Còn theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước, ngân sách dành cho việc đầu tư hệ thống công nghệ thông tin phục vụ phòng chống rửa tiền còn hạn chế do nhiều ngân hàng chưa cho rằng đây là vấn đề cấp bách.

Cũng vì vậy các ngân hàng cũng thiếu sự quan tâm tạo nhận thức về phòng chống rửa tiền, lúng túng trong việc lựa chọn phần mềm hỗ trợ phòng chống rửa tiền. Nhiều ngân hàng lại dùng phần mềm phòng chống rửa tiền sai mục đích, như để xếp hạng rủi ro tín dụng.

Ông Ngọc cho rằng các ngân hàng nên thay đổi quan điểm, vì việc chống rửa tiền rất quan trọng, nó đảm bảo danh tiếng của ngân hàng, tránh cho các ngân hàng không rơi vào các giao dịch bị cấm vận.

Trưởng bộ phận phòng chống rửa tiền của một ngân hàng lớn có mặt tại hội thảo cho biết tại ngân hàng ông, việc đầu tư mạnh cho hoạt động phòng chống rửa tiền chủ yếu là để đối tác nước ngoài yên tâm khi giao dịch tại ngân hàng, và cũng là tham gia vào hoạt động thanh toán toàn cầu được thuận lợi.

Theo ông, hiện tại ở nhiều ngân hàng việc đầu tư cho phòng chống rửa tiền chưa nhiều. Riêng với công nghệ thông tin, các giải pháp phần mềm ở nước ngoài khá đắt tiền và nhiều chức năng các ngân hàng không dùng đến, vì vậy nhiều ngân hàng không mặn mà. Ông cho rằng các công ty cung cấp giải pháp phần mềm nên liên hệ các ngân hàng để nắm bắt nhu cầu thực sự và tư vấn các gói nhỏ hơn.

Nói về thực trạng phòng chống rửa tiền ở Việt Nam, ông Ngọc cho biết đến nay chưa có con số cụ thể nào thống kê về quy mô và tính nghiêm trọng do hoạt động rửa tiền ở Việt Nam gây ra, tuy vậy vẫn khó tránh khỏi do những quy định về rửa tiền ở Việt Nam sơ sài so với nhiều nước.

Theo ông Ngọc, những quy định của pháp luật Việt Nam hiện chỉ mới thực hiện theo yêu cầu của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), còn trong nước, các quy định về phòng chống rửa tiền chưa giúp ích cho việc phát hiện ra các vụ rửa tiền như ở nhiều nước. Để đáp ứng theo thông lệ quốc tế bao gồm 49 khuyến nghị của FATF thì Việt Nam chỉ mới tuân thủ được 16 khuyến nghị.

Trong thời gian tới, Luật Phòng chống rửa tiền có hiệu lực, sẽ kiểm soát chặt hơn dòng tiền ra vào Việt Nam và những quy định về thanh toán dùng tiền mặt cũng sẽ khiến các giao dịch buộc phải thực hiện qua ngân hàng, ngăn chặn được các hành vi rửa tiền.

Theo ông Ngọc, việc triển khai chỉ mới ở bước đầu nên sẽ còn nhiều kẽ hở và chưa kiểm soát hết được, nhưng Việt Nam sẽ nhờ các tổ chức quốc tế hỗ trợ để thực hiện tốt công tác phòng chống rửa tiền tại Việt Nam.

Nguồn TBKTSG


Sự kiện