Thứ Ba | 29/01/2013 11:13

Ngân hàng có thể co hẹp tín dụng nếu áp dụng quy định về phân loại nợ mới

Nguyên nhân do ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, những doanh nghiệp mới được cơ cấu lại nợ có thể bị rơi vào nhóm nợ xấu.
Từ 1/6/2013, theo quy định phân loại nợ mới, nhiều khoản nợ “đẹp” của ngân hàng có nguy cơ biến thành nợ xấu. Việc này đồng nghĩa, số tiền phải bỏ ra để trích lập dự phòng rủi ro sẽ phải tăng lên.

Theo Báo Đầu tư ngày 29/1, nhiều ngân hàng cho rằng, việc áp dụng quy định mới sẽ khiến tăng trưởng tín dụng thời gian tới có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu.

Ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Hà Nội cho rằng, việc đưa ra tiêu chuẩn mới về phân loại nợ xấu để tiến tới thông lệ quốc tế là đương nhiên. Nhưng điều kiện của chúng ta hiện nay có nhiều điểm khác biệt.

Chính phủ vừa yêu cầu các ngân hàng cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhưng nếu áp dụng quy định mới này, các khoản nợ xấu phải trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng sẽ tăng lên đáng kể. Còn các doanh nghiệp, dù mới được cơ cấu lại nợ, nhưng với quy định mới, họ có khả năng lại bị rơi vào nhóm nợ xấu, không được cấp tín dụng, ông Dũng nhận định.

"Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngân hàng, mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tính toán kỹ các hệ lụy liên quan, đưa ra lộ trình hợp lý áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN, nếu không, các ngân hàng sẽ vướng, khó đẩy mạnh tín dụng, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cũng cho rằng, nếu chiểu theo quy định mới về phân loại nợ, khoản trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng này sẽ tăng 20 - 30%.

Với số tiền lớn phải bỏ ra để dự phòng rủi ro như vậy, ngân hàng buộc phải co hẹp tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh thu hồi nợ, siết đối tượng vay vốn và đẩy mạnh các khoản thu khác để bù đắp.

“Lợi nhuận của các ngân hàng năm 2013 sẽ rất căng thẳng”, vị tổng giám đốc trên lo ngại.

Liên quan đến những ý kiến trên của các ngân hàng, ông Nguyễn Đăng Hồng, Phó Chánh thanh tra NHNN cho biết, trên thực tế, Thanh tra NHNN từng phát hiện cùng một đối tượng nợ, song nhiều chi nhánh ngân hàng lại phân loại nợ ở một mức khác nhau.

Chính vì vậy, việc ban hành Thông tư 02/2013/TT-NHNN là nhằm điều chỉnh việc phân loại nợ sát thực tế hơn, về lâu dài giúp giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, ông Hông cho biết.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng cũng thừa nhận, họ rất khó khăn trong phân loại nợ, phân loại khách hàng, do không nắm bắt được sức khỏe chính xác của doanh nghiệp.

Do đó, bên cạnh việc đưa ra quy định mới về phân loại nợ, các ngân hàng cũng cần NHNN và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ cung cấp thông tin về doanh nghiệp, nhằm phân loại đúng nợ xấu, phân loại đúng sức khỏe doanh nghiệp, qua đó làm căn cứ cấp tín dụng.

“Chúng tôi cần sự phối hợp với ngành thuế để biết thêm về hình thực hiện nghĩa vụ ngân sách của doanh nghiệp”, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Hà Nội kiến nghị.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện