Thứ Hai | 20/05/2013 07:45

Ngân hàng cổ phần chậm giảm lãi suất cho vay

Sau 1 tuần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất điều hành, lãi vay của các ngân hàng cổ phần vẫn chưa hạ nhiệt.
Lãi cũ chưa hạ, lãi mới vẫn cao

Ông Trần Đình Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tâm (chuyên về xây dựng trên địa bàn Hà Nội) cho biết: "Chúng tôi vẫn đang chịu lãi suất cho vay 16,5%/năm với khoản vay cũ từ năm ngoái. Khi thương thảo để hạ lãi suất, ngân hàng cho biết, chỉ giảm lãi với các khoản vay mới, ngắn hạn. Còn lãi suất các khoản vay cũ không thể giảm, vì trước đây, ngân hàng đã phải huy động với lãi suất cao".

Phát biểu tại cuộc họp báo đầu tuần trước, Phó Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Đồng Tiến cũng khẳng định, hiện vẫn còn khoảng 14% tổng dư nợ có lãi vay trên 15%/năm, tập trung ở khối ngân hàng cổ phần.

Không chỉ các khoản vay cũ, mà với các khoản vay mới, lãi suất vẫn còn khá cao. Trong đó, lãi vay tiêu dùng phổ biển vẫn là 14 - 15%/năm. Theo khảo sát tại thời điểm ngày 17/5, lãi suất cho vay mua nhà tại Maritime Bank vẫn là 15,5%/năm. Tương tự, tại một số ngân hàng như VPBank, SCB, VIB…, lãi suất cho vay tiêu dùng cũng dao động từ 14%/năm trở lên, trừ vài ba tháng đầu có lãi suất ưu đãi.

Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, không thể đòi hỏi các ngân hàng cổ phần phải hạ lãi suất cho vay nhiều và nhanh như các ngân hàng thương mại quốc doanh. Các ngân hàng quốc doanh có lợi thế về uy tín, mạng lưới huy động rộng khắp, có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ từ NHNN, nên có thể hạ sâu lãi suất. Trong khi đó, khối ngân hàng cổ phần thương mại có giá vốn huy động cao hơn, thanh khoản cũng "mỏng" hơn, nên lãi suất chưa thể hạ ngay.

Ngân hàng nhỏ chịu áp lực lớn
Theo bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, khả năng giảm thêm lãi suất cho vay với khối ngân hàng cổ phần là rất khó, vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: thanh khoản, năng lực quản trị rủi ro, năng lực điều hành, uy tín khách hàng…

"Các ngân hàng nhỏ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, buộc phải cắt giảm hàng loạt nhân sự. Hy vọng, thời gian tới, trong quá trình thay đổi, sắp xếp lại cơ cấu, tiết giảm chi phí hợp lý, cơ cấu lại cho vay, các ngân hàng này sẽ tiết giảm được chi phí, đẩy mạnh bán lẻ, hoạt động hiệu quả hơn để có thể giảm lãi suất cho vay thêm nữa", bà Hạnh nói.

Giám đốc chi nhánh Hà Nội một ngân hàng nhỏ cũng thừa nhận, ngân hàng này chỉ giảm lãi suất cho một số ít khách hàng lớn, làm ăn hiệu quả để giữ khách hàng. Với nhóm khách hàng nhỏ, lãi suất cao vẫn được áp dụng để bù đắp cho những khoản vốn huy động lãi cao từ trước.

Về phía NHNN, cơ quan này cho hay, không thể can thiệp vào lãi suất của các ngân hàng, mà chỉ đưa ra lãi suất định hướng và hiệu triệu các ngân hàng thương mại ủng hộ.

Ông Nguyễn Đức Long, Trưởng phòng Lãi suất (Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN) khẳng định: "Lãi suất cho vay là quan hệ giữa người dân với tổ chức tín dụng, NHNN không thể can thiệp. Mỗi tổ chức tín dụng có mục tiêu hoạt động khác nhau, có giá vốn huy động khác nhau, có đánh giá rủi ro về khách hàng khác nhau, nên đưa ra các mức lãi vay khác nhau. Với tư cách là cơ quan hoạch định chính sách, NHNN chỉ có thể đưa ra lãi suất định hướng". Về lãi suất điều hành, theo ông Long, NHNN sẽ tiếp tục duy trì tương đối ổn định hoặc điều chỉnh rất nhỏ. Về lâu dài, khi thị trường cho phép, thanh khoản của các ngân hàng cải thiện vững chắc, thì NHNN sẽ xem xét bỏ trần lãi suất huy động.

Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất cho vay còn có thêm dư địa để giảm tiếp và xu hướng chắc chắn còn giảm tiếp. Tuy nhiên, mức giảm sẽ tùy thuộc vào sức khỏe và mức độ chia sẻ khó khăn với DN của từng ngân hàng.

"Hiện một số ngân hàng cổ phần vẫn duy trì chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra lên tới 4-5%. Điều này cũng dễ hiểu bởi tình hình tài chính của các ngân hàng này chưa ổn định, nợ đọng nhiều", TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lý giải.

Nguồn Đầu tư


Sự kiện