Thứ Năm | 19/05/2016 08:30

Ngân hàng chạy đua tăng vốn trước áp lực Basel II

Liệu 10 ngân hàng thí điểm Basel II nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung có đáp ứng được yêu cầu khi thời gian đã cận kề?

Cuối cùng Ngân hàng Quân Đội đã hoàn thành được “tâm nguyện” tăng vốn từ nhiều năm nay. Kết quả của đợt phát hành thêm cổ phiếu vào năm ngoái, vốn được đánh giá là thành công tốt hơn kỳ vọng, đã giúp ngân hàng này tăng vốn lên 16.000 tỉ đồng, tăng 38% so với năm trước đó. Dù vậy, không có những cái tên mới trong đợt tăng vốn lần này của Ngân hàng Quân Đội, cũng chưa thấy bóng dáng của cổ đông ngoại. Thay vào đó là những cổ đông quen thuộc như Tập đoàn Viettel, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tân Cảng Sài Gòn và Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam.

VPBank là trường hợp thứ 2 tăng vốn được đánh giá là thành công trong năm 2015. Ngân hàng này đã tăng vốn điều lệ lên mức 8.056 tỉ đồng, tăng gần 27%. VPBank thậm chí còn dự kiến tăng lên mức gần 9.200 tỉ đồng nhưng thực hiện không kịp hồi cuối năm ngoái.

Nhiều năm trở lại đây, các ngân hàng muốn tăng vốn nhưng không dễ thực hiện. Lý do là cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là thiếu hấp dẫn, vì cổ tức thấp, hoạt động tín dụng khó khăn do phải tái cấu trúc. Dù khó khăn nhưng các ngân hàng thời gian gần đây buộc phải tăng vốn không chỉ để tăng năng lực cạnh tranh mà còn để chuẩn bị đáp ứng những yêu cầu mới về chỉ số an toàn hoạt động.

Ngân hàng Quân Đội và VPBank là 2 trong số 10 ngân hàng tham gia vào đợt “thử nghiệm” đáp ứng các tiêu chí mới của Hiệp ước Basel II, được xem là kim chỉ nam cho hoạt động của ngân hàng trong tương lai. Số ngân hàng còn lại gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, Sacombank, Maritime Bank và VIB.

Năm ngoái, không tính VPBank và Ngân hàng Quân Đội là có tăng vốn, các ngân hàng còn lại ít thay đổi về vốn điều lệ. Riêng Sacombank, BIDV, và Maritime Bank là tăng do nhận sáp nhập với các ngân hàng khác. Việc vốn điều lệ “giậm chân tại chỗ” sau nhiều năm đã tạo sức ép đối với các nhà lãnh đạo ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp ước Basel II chuẩn bị được thực thi.

Yêu cầu về vốn tối thiểu là 1 trong 3 trụ cột chính của Hiệp ước Basel II. Các ngân hàng cũng sẽ phải tuân thủ thêm những yêu cầu về giám sát chặt chẽ vốn điều lệ và nguyên tắc thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc vốn điều lệ sẽ được kiểm tra thường xuyên, tránh tình trạng các tổ chức tín dụng thua lỗ nhưng lại không ghi nhận vào vốn điều lệ, dẫn đến báo cáo bị sai lệch nghiêm trọng. Những nguyên tắc này cũng đã được đưa vào Thông tư 36 quy định về an toàn hoạt động của ngân hàng.

Theo Công ty Chứng khoán VCBS, việc áp dụng thí điểm Basel II sẽ gây áp lực tăng vốn và chi phí hoạt động cho các ngân hàng trong năm nay. Trong cuộc đua này, các ngân hàng thuộc nhóm nhà nước chịu áp lực nhiều hơn, bởi hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) trung bình của nhóm này thấp hơn so với nhóm ngân hàng tư nhân và chỉ nhỉnh hơn mức quy định một chút.

Trong kỳ đại hội cổ đông thường niên vừa qua, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, cho biết CAR của Vietcombank vào thời điểm cuối năm 2011 xấp xỉ ở mức 11%, và dự kiến ở mức 9% vào cuối năm 2016, tức bằng mức quy định tối thiểu của Hiệp ước mới. Nếu áp dụng những nguyên tắc mới của Basel II, hệ số CAR tại Vietcombank sẽ không đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu.

Có lẽ vì vậy mà Vietcombank, VietinBank và BIDV đang đưa ra lộ trình tăng vốn mạnh trong thời gian sắp tới. Là ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống (trừ Agribank), VietinBank đưa ra kế hoạch tăng vốn thêm gần 32%, lên mức 49.000 tỉ đồng (trong số này bao gồm cả phần vốn từ việc sáp nhập với PGBank) từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa thành công và dự kiến đến năm nay sẽ tiếp tục triển khai. Trong khi đó, BIDV dự kiến tăng gần 27%, còn Vietcombank là hơn 48%.

Ngan hang chay dua tang von truoc ap luc Basel II

Áp lực từ Basel II có thể nói đang đè nặng lên đôi vai những ngân hàng thiếu vốn. Thậm chí, các ngân hàng nhỏ cũng không nằm ngoài cuộc đua, bởi vì quy định này dự kiến được áp dụng chung cho hệ thống vào năm 2018. Trên thực tế, không ít ngân hàng nhỏ đã đồng loạt đưa ra kế hoạch tăng vốn trong nhiều năm nay, nhưng ít trường hợp thành công khi gọi vốn lần một.

Vậy các ngân hàng lấy tiền đâu để tăng vốn? Việc tăng vốn từ phát hành cổ phiếu đã được các ngân hàng đề xuất từ lâu, song ít có trường hợp nào thành công và tăng vốn đúng thời hạn.

Sau vài năm thực hiện kế hoạch tăng vốn không thành công, một số ngân hàng chọn cách tăng vốn từ nguồn lợi nhuận giữ lại, hạn chế chia cổ tức hoặc chia bằng cổ phiếu. Năm ngoái, Ngân hàng Quân Đội còn chia thưởng bằng tiền mặt, năm nay có một nửa bằng cổ phiếu. BIDV giảm tỉ lệ cổ tức và chỉ chia bằng cổ phiếu. Trong khi đó, Vietcombank dự tính phát hành 35% cổ phiếu thưởng để tăng vốn. VietinBank trong năm nay cũng quyết định không chia cổ tức, với lý do còn chờ sáp nhập với PGBank. Các trường hợp tăng vốn thành công trong thời gian gần đây như Ngân hàng Quân Đội hay VPBank đều là phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Những trường hợp gọi vốn bằng hình thức giữ lại lợi nhuận sau thuế như trên có điểm lợi là vừa giúp giữ lại “tiền thực” cho ngân hàng, vừa giúp ngân hàng tăng thêm quy mô vốn điều lệ (trong trường hợp ngân hàng không ghi nhận lợi nhuận “ảo”).

Trên thực tế, tăng vốn từ dòng tiền thực từ trước đến nay luôn là điều khó khăn. Trước đây, hệ thống ngân hàng Việt đã rơi vào tình huống tương tự ít nhất 2 lần, một lần là để tăng vốn đủ mức vốn pháp định 3.000 tỉ đồng, một lần nữa là để đáp ứng yêu cầu CAR quy định theo Thông tư 13. Khi đó, nhiều ngân hàng tăng vốn ảo dựa trên mối quan hệ sở hữu chồng chéo, đã được báo cáo nhiều trong thời gian qua.

Dòng tiền thực vào ngân hàng “bí bách” đến nỗi gần đây tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng BIDV, đã đưa ra kiến nghị cho phép ngân hàng thương mại nhà nước để lại tiền cổ tức, tiền từ thoái vốn đầu tư nhà nước để làm cơ sở tăng vốn cho ngân hàng thuộc nhóm nhà nước. Phương pháp gọi vốn từ khối ngoại cũng đang được chú ý nhiều hơn. Tăng mức trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được giới ngân hàng đề xuất liên tục. Vietcombank đã có kế hoạch phát hành thêm 10% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại sau khi tăng vốn. Trong khi đó, có thông tin cho rằng SCB được nâng mức trần sở hữu lên 50%.

Liệu 10 ngân hàng “thí điểm” nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung có đáp ứng được yêu cầu khi thời gian đã cận kề? Trong quá khứ, các quy định về hoạt động an toàn thường được cơ quan quản lý gia hạn thời gian áp dụng để hỗ trợ cho các ngân hàng. Gần đây, cũng có thông tin cho rằng hiện có dự thảo về việc hoãn áp dụng Basel II và những quy định sửa đổi trong Thông tư 36. Cần lưu ý rằng việc tăng các chỉ số an toàn đồng nghĩa với dòng vốn từ ngân hàng đi vào nền kinh tế giảm đi, trong khi đó giảm lãi suất dường như là ưu tiên hàng đầu hiện nay của cơ quan quản lý.

Thiên Phong