Ngân hàng bị buộc tăng trích lập dự phòng
Ngân hàng Nhà nước VN vừa ban hành Thông tư số 02/2013 buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng tài chính trong năm nay. Đây là động thái cần thiết để tăng cường ổn định hệ thống ngân hàng và giảm nợ xấu.
Hết đường “lách”
Trong thời gian qua, để tránh trích lập dự phòng rủi ro, không ít ngân hàng (NH) tìm cách cho vay dưới những hình thức khác nhau mà phổ biến là ủy thác đầu tư hay cho vay qua thẻ tín dụng. Việc ủy thác tiền gửi, cho đến thời điểm cuối năm 2011, không phải tính vào tăng trưởng tín dụng và cũng không phải trích lập dự phòng rủi ro. Vì vậy khi có sự cố xảy ra, cổ đông của NH sẽ là người gánh chịu.
Ngoài ra, các NH trong và ngoài nước đều đang chạy đua phát hành thẻ tín dụng với hạn mức thông thường gấp 2-3 lần thu nhập hằng tháng của người sử dụng thẻ. Chưa kể trong điều kiện phát hành thẻ tín dụng khá dễ, một người có thể cùng lúc sử dụng đến 4-5 thẻ, hạn mức tín dụng thẻ cộng lại có thể lên đến 8 - 10 tháng lương. Điều này tiềm ẩn rủi ro nếu người sử dụng mất khả năng chi trả hoặc khi bị mất việc. Do đó quy định mới có hiệu lực từ ngày 1.6.2013 đã bổ sung các loại tài sản mà NH phải trích lập dự phòng gồm các khoản cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng; Số tiền mua và ủy thác mua trái phiếu chưa niêm yết; Ủy thác cấp tín dụng và Tiền gửi (trừ tiền gửi thanh toán). Các quy định này khiến các NH sẽ phải thận trọng và cân nhắc hơn khi cho vay.
Theo Công ty chứng khoán Bản Việt, quy định mới này mang yếu tố tích cực, thể hiện quyết tâm của NH Nhà nước VN (NHNN) trong việc từng bước đưa các quy định phân loại nợ và trích lập dự phòng của VN gần với tiêu chuẩn quốc tế.
TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) nhận định: Hiện tượng trích lập dự phòng không đầy đủ và không trung thực trong báo cáo nợ xấu của hệ thống NH thời gian qua đã gây nên hệ lụy đến hiện nay là tổng nợ xấu gia tăng mạnh. Vì vậy quy định mới này sẽ khắc phục được tình trạng lợi nhuận “ảo” của các NH và nâng cao tính an toàn cho toàn hệ thống.
Siết chặt báo cáo nợ xấu
NHNN cũng yêu cầu các NH phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để xếp hạng khách hàng theo định kỳ hoặc khi cần thiết để làm cơ sở cho việc xét duyệt cấp tín dụng, quản lý chất lượng tín dụng, xây dựng chính sách dự phòng rủi ro phù hợp. Đồng thời các NH phải cung cấp kết quả tự phân loại nợ cho trung tâm thông tin tín dụng. Sau đó trung tâm này sẽ tổng hợp và cung cấp lại cho các NH danh sách khách hàng thuộc nhóm nợ có mức độ rủi ro cao nhất để điều chỉnh kết quả phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro. Trước đây do chưa có quy định mà tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các NH chỉ khoảng 4,9% trong khi theo ước tính của NHNN thì tỷ lệ này lên đến hơn 8,8%. Vì vậy quy định mới khi đi vào thực thi sẽ giúp giải quyết được “độ vênh” đó.
TS Lê Thẩm Dương nhận định, quy định này sẽ dần dần đưa các NH vào hoạt động chuẩn mực hơn. Từ đó tăng trách nhiệm của ban lãnh đạo và tăng tính cạnh tranh của các NH. Quá trình hội nhập đòi hỏi hệ thống NH phải dần dần hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế. NHNN cần mạnh dạn hơn trong việc đưa ra những quy định trong hoạt động của ngành NH theo các tiêu chuẩn quốc tế, nhất là trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm tái cơ cấu hệ thống NH. Đặc biệt việc tăng trích lập dự phòng và tăng cường quản trị rủi ro nội bộ sẽ làm giảm được nợ xấu trong tương lai của hệ thống NH.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia NH Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các giao dịch vay mượn, đầu tư kể cả trái phiếu, tín phiếu đều có những rủi ro nên đều phải được trích lập dự phòng. Đây cũng là chuẩn mực mà quốc tế đều áp dụng. Chuyên gia này lưu ý việc gia tăng trích lập dự phòng, báo cáo nợ xấu theo quy định mới có thể làm cho các NH bị giảm lợi nhuận. Từ đó, mục tiêu giảm lãi suất của NHNN khó thực hiện do các NH có thể tiếp tục tìm cách duy trì lãi suất cho vay cao để bù đắp khoản lợi nhuận bị hụt. Do đó NHNN cần lưu ý sử dụng các công cụ để ổn định thanh khoản, không cho các NH tăng lãi suất.
(Theo Thanh niên)