Ngân hàng bắt đầu cho vay tái cấu trúc tài chính
Tuy mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay vẫn còn quá cao đối với doanh nghiệp, song đã phần nào giảm bớt áp lực so với tháng trước. Hầu hết nhà băng đã điều chỉnh lãi suất từ mức cao 19 - 22%/năm xuống còn 18 - 20%/năm. Ở những ngân hàng “có điều kiện”, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu còn thấp hơn.
Cụ thể, tại các ngân hàng như ACB, Eximbank, DongA Bank…, lãi suất cho vay doanh nghiệp trong các lĩnh vực nói trên hiện dao động trong khoảng 17,5 - 18,5%/năm; tại các ngân hàng có vốn Nhà nước như VCB, VietinBank, BIDV, MHB, lãi suất cho vay còn thấp hơn, 16 - 17%/năm.
Vì vậy, các doanh nghiệp có dự án kinh doanh khả thi đang tìm cách trả nợ cũ để vay lại với lãi suất thấp hơn.
Tổng giám đốc OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, đã có nhiều doanh nghiệp trả nợ cũ để vay mới hoặc tìm cách thương thảo lãi suất với ngân hàng.
Nhưng đáng chú ý hơn, một số ngân hàng như ACB và DaiABank đã chủ động tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thông qua các chương trình cho vay tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp.
Các gói cho vay này chủ yếu giúp doanh nghiệp khắc phục sự mất cân đối kỳ hạn giữa tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp, chẳng hạn khi doanh thu, tiền bán hàng về chậm hơn ngày đáo hạn khoản vay ngân hàng…
Hai ngân hàng ACB và DaiABank nằm trong số những ngân hàng đầu tiên triển khai các chương trình cho vay tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp.
Tổng hạn mức ACB cho vay tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp là 1.000 tỷ đồng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, chế biến. Lãi suất của chương trình này là 18%/năm.
DaiABank cũng dành 1.000 tỷ đồng cho vay tái cấu trúc tài chính. Thời hạn vay là 3 - 5 năm, hạn mức tối đa 30 tỷ đồng/khách hàng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Huy Dũng, Tổng giám đốc DaiABank, việc hỗ trợ vốn cho các DNNVV tái cấu trúc tài chính không đồng nghĩa với việc xử lý khoản vay cũ tại các ngân hàng khác.
Nguồn ĐTCK