Ngân hàng bán lẻ: khối ngoại “leo thang”
Nội chuyển mình
Cho vay là hoạt động chính đóng góp tới hơn 80% doanh thu của các ngân hàng nội. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, thu nhập từ mảng dịch vụ lại đóng góp ngày càng nhiều hơn trong tổng thu nhập. Có thể thấy, tỉ lệ thu nhập từ hoạt động dịch vụ trên lợi nhuận trước thuế trung bình của 7 ngân hàng niêm yết (gồm VietinBank, BIDV, Eximbank, Vietcombank, Ngân hàng Quân Đội, Ngân hàng Á Châu và Sacombank) đã tăng từ mức 19,9% năm 2012 lên mức 22,7% vào năm 2013.
Nhiều ngân hàng chuyển hướng sang bán lẻ một phần là do hoạt động cho vay bị chững lại. Trước đây, họ tập trung vào cho vay vì lĩnh vực này mang lại tỉ suất lợi nhuận cao hơn nhờ thu lợi lớn từ chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên, mức chênh lệch này ngày càng giảm, nên lợi nhuận thu về cũng ít hơn.
Mặt khác, rủi ro nợ xấu tăng thêm cùng với phần nợ đang được tái cơ cấu chưa xử lý hết khiến các ngân hàng ngần ngại cho vay. Tín dụng tăng trưởng khó trong khi vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Chính vì thế, họ đẩy mạnh đầu tư vào chi nhánh, con người, công nghệ để phục vụ mảng bán lẻ.
“Thị trường bán lẻ ở Việt Nam còn quá sơ khai. Đó là lý do vì sao thời gian gần đây nhiều ngân hàng tập trung vào mảng bán lẻ”, chuyên gia tư vấn ngân hàng của một công ty tư vấn chiến lược Mỹ (không muốn nêu tên) nhận định.
Sự quan tâm của ngân hàng nội đối với mảng bán lẻ có thể thấy qua hàng loạt sản phẩm được đưa ra như thẻ ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ nước ngoài, thẻ tín dụng, các hoạt động cho vay tiêu dùng có thế chấp, tín chấp. Ngoài ra, còn có các dịch vụ đi kèm như tiện ích thanh toán thông qua thẻ, qua internet…
Mặc dù các sản phẩm của ngân hàng ngày càng đa dạng hơn, nhưng trên thực tế, tỉ lệ thâm nhập thị trường của ngân hàng mới chỉ đạt 21%, tương đối thấp so với các nước trong khu vực, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VPBS về ngành ngân hàng hồi đầu tháng 5.
Để phát triển mảng bán lẻ, cách làm truyền thống của nhiều ngân hàng nội là mở rộng quy mô chi nhánh và phòng giao dịch. Một chi nhánh được mở ra đồng nghĩa với khả năng thu hút một lượng khách hàng trong khu vực và tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng thông qua hệ thống nhận diện thương hiệu (qua các bảng hiệu, máy ATM…).
Số liệu thực tế cho thấy đối với các ngân hàng có quy mô lớn hơn, đóng góp của hoạt động dịch vụ vào tổng thu nhập cũng cao hơn so với những ngân hàng có quy mô nhỏ. Theo báo cáo của KPMG năm 2013, tỉ trọng thu nhập ngoài lãi của 4 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất ở Việt Nam lên tới 19%, trong khi con số trung bình ngành chỉ là 14%.
Lấy ví dụ ở Sacombank. Năm 2013, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của Sacombank tăng đến 38%, cao nhất trong nhóm các ngân hàng niêm yết. Sacombank được biết đến như là ngân hàng có quy mô bán lẻ lớn nhất trong khối ngân hàng tư nhân với hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch dẫn đầu.
Ngoại mở rộng
Trong khi khối ngân hàng nội đang tập trung phát triển trở lại mảng bán lẻ thì sân chơi này được khối ngoại để ý từ lâu và thời gian gần đây càng được đẩy mạnh phát triển. Nếu như HSBC vừa tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng lên mức 7.528 tỉ đồng thì ANZ đã đưa ra một chiến lược cạnh tranh khá rõ ràng cho thị trường bán lẻ Việt Nam.
“Việt Nam là một thị trường trọng điểm của ANZ”, ông Sanjoy Sen, Giám đốc phụ trách Khối ngân hàng bán lẻ, ANZ khu vực châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ trong cuộc gặp gỡ với giới báo chí ở Việt Nam.
Năm ngoái mảng bán lẻ của ANZ tăng trưởng tốt với mức tăng 2 con số, theo ông Dương Đức Hùng, Giám đốc khối Ngân hàng Bán lẻ của ANZ. Ông cho biết chiến lược của ANZ là khu biệt vào nhóm khách hàng có mức thu nhập trung bình khá trở lên.
Mới đây, ANZ đã chuyển phòng giao dịch từ quận 1 về khu vực Tân Bình. Theo lý giải của ông Hùng, kế hoạch của Ngân hàng là đặt ở khu vực tập trung nhiều công ty và khách hàng tiềm năng, đặc biệt là khách hàng có mức thu nhập cao và trung bình khá.
Các ngân hàng ngoại đã khá khôn ngoan khi tập trung vào nhóm đối tượng này, vì ngoài việc sẵn lòng trả phí dịch vụ cao hơn, họ có hiểu biết về dịch vụ ngân hàng và ưa thích sử dụng chúng.
Theo công ty tư vấn Mỹ Boston Consulting Group, số người thuộc tầng lớp trung lưu ở Việt Nam là 12 triệu người vào năm 2012 và dự kiến sẽ tăng lên 30 triệu người vào năm 2020. Tuy không có số liệu thị phần cụ thể, nhưng tầng lớp trung lưu sẽ có xu hướng sử dụng dịch vụ của ngân hàng ngoại vì các ngân hàng này có tính kết nối cao với các ngân hàng khác trên thế giới.
Tuy nhiên, các ngân hàng ngoại như ANZ và HSBC lại bị giới hạn về việc mở thêm chi nhánh và không thể so sánh về quy mô chi nhánh với các ngân hàng nội. Do đó, chiến lược của họ là phát triển thêm các kênh tiếp cận khác nhau đến khách hàng.
Theo ông Sanjoy, trong thời đại công nghệ, chi nhánh chỉ là một trong những kênh tiếp cận khách hàng; các kênh khác cũng đặc biệt quan trọng như kênh tư vấn qua điện thoại hay tư vấn trực tiếp.
Thế nhưng, việc tiếp thị qua những kênh này cũng có khó khăn riêng của nó. Đối với ANZ, đó là phải kiểm soát chất lượng dịch vụ với hơn 1.000 nhân viên bán hàng. HSBC cũng rất xem trọng việc này. Ngân hàng này đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên tư vấn không chỉ dựa trên doanh thu mang về, mà còn dựa vào chất lượng dịch vụ họ cung cấp cho khách hàng.
Về phía các ngân hàng nội, họ vẫn có một lợi thế lớn là mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch rộng khắp. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng nội sẽ tốn nhiều chi phí hơn để duy trì các phòng giao dịch này.
Xem ra thách thức dành cho ngân hàng nội là không nhỏ. Trong sân chơi bán lẻ đang ngày càng khốc liệt hơn, các ngân hàng nội sẽ phải chú ý đến việc chăm sóc khách hàng, chứ không chỉ dựa vào việc mở rộng mạng lưới.
Nguồn NCĐT