Thứ Năm | 06/03/2014 16:51

Ngân hàng ANZ duy trì dự báo GDP Việt Nam 2014 ở 5,6%

Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam của Ngân hàng ANZ nhận định, Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu bên ngoài, dù tiêu dùng nội địa thấp.
Ngân hàng ANZ duy trì dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2014 là 5,6% và năm 2015 là 5,8% nhờ sự cải thiện chậm nhưng ổn định. ANZ điều chỉnh giảm dự báo lạm phát 2014 xuống mức trung bình 7,0 - 7,5%.

Theo ANZ, vị thế bên ngoài của Việt Nam vẫn mạnh mẽ trong tháng 2. FDI tiếp tục là chỗ dựa vững chắc của nền kinh tế. Trong năm tính tới ngày 20/2, đã có 122 dự án mới cấp phép với tổng giá trị 830,9 triệu USD vốn đăng ký. Ngoài ra, 41 dự án đang triển khai nhận được thêm 708,8 triệu USD vốn, nâng tổng vốn FDI hút về lên 1.539,7 triệu USD. FDI thực hiện tăng 6,67% theo năm lên 1.120 triệu USD.

Lĩnh vực sản xuất vẫn là đối tượng thụ hưởng chính với 625 triệu USD. Các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn là nguồn FDI hàng đầu, hỗ trợ quan điểm của ANZ cho rằng sản xuất liên quan tới xuất khẩu vẫn mạnh mẽ trong trung hạn. Lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai với 156 triệu USD. Mức thâm hụt thương mại quốc tế giảm 244 triệu USD.

Xem xét tới dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào lĩnh vực sản xuất, ANZ dự báo cả xuất khẩu và nhập khẩu của nước ta tiếp tục tăng và hưởng lợi từ cải thiện tại các nền kinh tế phát triển. Nhu cầu trong nước vẫn thấp, nhập khẩu hàng tiêu dùng cũng ở mức vừa phải.

Tiền đồng Việt Nam cũng được giữ ổn định. Trong tháng 2, tỷ giá USD/VND tiếp tục được giữ ở trong khoảng 21.070 tới 21.110, gần với tỷ giá chính thức của NHNN là 21.036. Với dòng vốn ngoại tiếp tục duy trì, hầu hết từ hoạt động ngoại thương và các doanh nghiệp FDI, NHNN tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối của mình. Hôm 18/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết dự trữ ngoại hối đã tăng lên cao kỷ lục với 40 tỷ USD. Trong khi đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết NHNN đã tăng dự trữ thêm 2 tỷ USD lên 30 tỷ USD. Dù các con số đưa ra khác biệt, ANZ duy trì quan điểm rằng vị thế bên ngoài ổn định của Việt Nam sẽ giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối của mình.

Cải thiện vị thế bên ngoài cho phép các nhà hoạch định chính sách cải cách cấu trúc tổ chức. Theo quan điểm của ANZ, triển vọng tích cực về thương mại quốc tế và FDI sẽ bù đắp sự yếu kém của nhu cầu trong nước, cho phép chính phủ tinh chỉnh chính sách liên quan tới doanh nghiệp nhà nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra rằng 432 doanh nghiệp nhà nước sẽ được cổ phần hóa trong hai năm tới. Chính phủ dự kiến bán các doanh nghiệp mà không cần thiết có sự kiểm soát của nhà nước.

Xem xét tới những thách thức từ nợ xấu cao, ngân hàng NN đã sửa đổi Thông tư 02 về phân loại nợ xấu và dự phòng rủi ro. Theo quy định chưa được áp dụng này, nếu một tổ chức có một khoản nợ được xếp vào nhóm 5 (nhóm nợ xấu nhất), tất cả các khoản vay của nó với các ngân hàng sẽ tự động rơi vào nhóm 5. Việc sửa đổi sẽ cho phép các ngân hàng coi các khoản vay của các tổ chức có nợ xấu là nợ đảm bảo chừng nào tổ chức đó tiếp tục hoàn trả khoản nợ cho ngân hàng đó. Theo quan điểm của ANZ, việc sửa đổi này có thể sẽ tạo ra "mặt nạ" cho mối đe dọa thật sự của các khoản nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng, khi mà hệ thống ngân hàng có liên hệ chặt chẽ với nhau.

Trong khi đó, thanh khoản tăng trong tháng 2 kéo giảm lãi suất ngắn hạn. Lãi suất qua đêm liên ngân hàng giảm xuống mức trung bình 2,53% trong tháng Hai, sau khi chạm đấy 1,24%. Trong tháng 1, mức trung bình là 4,34%. NHNN đã phát hành trái phiếu ngắn hạn để hút thanh khoản dư thừa, dẫn tới lợi suất trái phiếu NHNN giảm đáng kể.

Theo một bài phỏng vấn với các quan chức NHNN, lãi suất trung bình hiện tương đương với mức ở năm 2005 - 2006. Vì thế, ANZ nhắc lại quan điểm rằng NHNN có thể sẽ giữ lãi suất tái cấp vốn chính sách ở 7% trong năm 2014. Sự tách biệt giữa lãi suất cho vay của ngân hàng và lãi suất điều hành vẫn tồn tại và bất cứ thay đổi nào của lãi suất điều hành sẽ không thể làm bùng phát tăng trưởng tín dụng.

Diễn biến chỉ số chứng khoán Việt Nam (đường màu xanh đậm nhất).
Diễn biến chỉ số chứng khoán Việt Nam (đường màu xanh đậm nhất).

Lãi suất tiền gửi thấp đang khuyến khích nhà đầu tư trong nước chuyển sang thị trường chứng khoán. Kể từ đầu năm tới nay, chỉ số chứng khoán của Việt Nam đã tăng hơn 14%. Các quỹ nước ngoài cũng tiếp tục rót vốn vào các cổ phiếu trong nước, thu hút hơn 100 triệu USD kể từ đầu năm 2014.

Theo ANZ, vị thế bên ngoài ổn định của Việt Nam đang bù đắp phần nào sự ảm đạm của kinh tế trong nước. Mặc dù nhận thấy một vài cải thiện và ổn định trong tiêu dùng nội địa, môi trường bên ngoài thuận lợi sẽ cần cải thiện điểm yếu tồn tại để giữ nền kinh tế trên con đường hồi phục vững chắc.

Nguồn Dân Việt/ANZ


Sự kiện