Nguồn: VCCI
Ngã rẽ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Báo cáo Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố cho biết, kinh tế Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ, một là tiếp tục làm cứ điểm xuất khẩu với giá trị gia tăng thấp, hai là có thể tận dụng làn sóng tăng trưởng để đa dạng hóa, vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để mang về giá trị gia tăng cao.
Trước nguy cơ bị thụt lùi về kinh tế, không còn cách nào khác chúng ta phải cố gắng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, “chen chân” như thế nào vào chuỗi giá trị vẫn là câu chuyện nan giải.
Chỉ chiếm 0,32% thị trường thế giới
Việc kết nối doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước được nhận định là còn mờ nhạt, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ đối tác nước ngoài đến khu vực DN trong nước còn hạn chế. Điều đáng lo ngại nhất là DN tư nhân rất khó khăn, rất ít DN đủ sức kết nối vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Theo số liệu của VCCI, hiện chỉ khoảng 250 DN đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng cũng chỉ mới cung ứng phụ tùng thay thế, lắp ráp gia công chứ chưa phải các sản phẩm chính.
Nguồn: World Bank Group |
Trao đổi tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất – Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”(*), Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI, Giám Đốc VCCI-HCM cho rằng, 250 DN đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là chỉ tính riêng về hàng hoá. Nếu bao gồm cả dịch vụ thì số DN có thể lớn hơn. Tuy nhiên, dù tính toán như vậy thì nhìn chung số lượng DN có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn rất hạn chế. “Nếu xét riêng về thương mại hàng hóa, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,32% toàn bộ thị trường thế giới, trong khi đó dân số chiếm tới 1,3%. Như vậy, có thể thấy nước ta đang còn đi rất chậm trên bước đường này và dư địa khai thác vẫn còn rất lớn”.
Ngã rẽ quyết định
Cũng tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất – Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu” Theo ông Brian Mtonya – Chuyên gia kinh tế cấp cao, Ngân hàng Thế giới: "Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng như một nền tảng xuất khẩu cho Chuỗi cung ứng toàn cầu và chuyên về các chức năng lắp ráp có giá trị gia tăng thấp, với quá trình công nghiệp hóa xảy ra trong những khu vực ít liên quan đến nền kinh tế hoặc xã hội ở phạm vi rộng hơn. Hoặc có thể tận dụng được làn sóng tăng trưởng hiện tại để đa dạng hoá và thúc đẩy chuỗi cung ứng với các chức năng có giá trị gia tăng cao hơn và nắm bắt cơ hội để thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp nội địa năng động, sáng tạo và độc lập có khả năng phát triển các sản phẩm "được làm tại Việt Nam".
Tuy nhiên thành công trong cả hai lĩnh vực này sẽ đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam phải nhìn nhận quá trình phát triển theo cách khác và xem xét toàn diện hơn các thực tiễn mới của nền kinh tế toàn cầu.
Theo ông Brian Mtonya những gì cần làm trước tình hình này là:.Điều chỉnh mục tiêu của chính sách công nghiệp cho phù hợp với nhu cầu nâng cấp; Tận dụng FDI để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước; Hỗ trợ các doanh nhân trong nước và các doanh nhân hồi hương phát triển thương hiệu "made in Vietnam" cho thị trường trong nước, khu vực và toàn cầu.
Lời giải cho bài toán khó
Theo ông Brian Mtonya , Việt Nam có tỷ lệ giá trị xuất khẩu trên GDP cao hơn nhiều nước. Tuy nhiên, DN FDI đóng góp trên 50% giá trị công nghiệp chế tác và trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, nhóm hàng xuất khẩu lớn mà DN FDI đang giành lợi thế phần lớn lại là gia công, lắp ráp như điện thoại và linh kiện; dệt may, da giày; máy tính… Muốn đất nước phát triển thì phải dựa trên năng lực thực sự của nền kinh tế nội địa.
Nguồn: Word Bank Group |
Theo nhận định của Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI, kết nối giữa các DN FDI và DN cung ứng trong nước còn tương đối yếu. Bên cạnh nguyên nhân khách quan đến từ phía các DN FDI, ông Thành cho rằng sự hạn chế trong kết nối này còn đến từ chính phía chúng ta. Cụ thể, với chính sách tỷ giá và lãi suất cao như hiện nay, rất khó để DN Việt Nam có thể cạnh tranh được với các DN cung ứng từ một số nước khác. “Chẳng hạn như DN Nhật, lãi suất nước họ rất thấp. Họ vay vốn và vào Việt Nam đầu tư thì có lợi thế hơn DN chúng ta. Sự kém cạnh tranh là một trong những lý do khiến nhiều DN Việt phải lắc đầu ngao ngán”.
Vẫn theo ông Thành, công nghiệp hỗ trợ cũng đòi hỏi hướng ngoại rất mạnh, cần phải có thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, với chính sách tỷ giá như hiện nay thì DN Việt cũng gặp nhiều khó khăn. “Nếu chúng ta không thay đổi cơ chế chính sách, tạo ra đòn bẩy để phát triển DN thì Việt Nam vẫn chỉ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở công đoạn lắp ráp, giai đoạn cuối có hàm lượng gia tăng thấp”.
Diễn đàn “Nâng cao năng suất – Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu” do VCCI HCM phối hợp cùng ILO tổ chức tại TP.HCM vào ngày 27.10. Chương trình có sự tham dự của đại diện lãnh đạo VCCI, ILO, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Thụy Sỹ tại TP.HCM, Ngân hàng Thế giới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động VN, Sở Lao động, Sở Công Thương và Liên đoàn Llao động tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và TP.HCM. |