Sơn Nguyễn Thứ Sáu | 09/02/2018 08:30

Ngã rẽ mới của công nghiệp ô tô

Thị trường ô tô năm 2018 tiếp tục khó đoán sau một năm kinh doanh không thực sự khả quan như kỳ vọng.

Sức nóng đã khởi phát ngay những ngày đầu năm khi hai thương hiệu ô tô của Nhật là Toyota và Honda tạm dừng xuất khẩu vào Việt Nam các dòng xe du lịch như Lexus, Fortuner, Yaris, CR-V hay dòng bán tải Hilux, ngược lại các đối thủ khác lại tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và mở rộng hệ thống phân phối. Trong tháng 1.2018, không có chiếc xe nào nhập về Việt Nam qua cảng TP.HCM.

Ngoại ngại ngần

Động thái của hai hãng xe hơi lớn của Nhật là để “phản đối” chính sách mới của Nhà nước về kinh doanh và nhập khẩu ô tô (Thông tư 03/2018 và Nghị định 116/2017) có hiệu lực từ đầu năm nay. Theo đó, Chính phủ đã đặt ra các quy định chặt chẽ hơn về thủ tục nhập khẩu, hướng đến mục tiêu tăng cường chất lượng, sự an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Dù vậy, các doanh nghiệp ngoại cho rằng những yêu cầu đó khiến cho chi phí mà họ phải chịu gia tăng thêm, làm giảm vị thế cạnh tranh rõ rệt so với các đối thủ.

“Trở ngại lớn nhất nằm ở yêu cầu xe nhập khẩu phải có giấy chứng nhận được chấp nhận về chủng loại (VTA) từ cơ quan có thẩm quyền của quốc gia xuất khẩu. Vấn đề là mỗi cơ quan này chỉ phụ trách các quy định của quốc gia đó. Ngoài ra, một số quốc gia cũng không có cơ quan cấp VTA như Hàn Quốc nên chứng nhận VTA không thể được cấp cho các nhà nhập khẩu dòng xe nguyên chiếc lắp ráp từ các quốc gia này”, Tiến sĩ Oliver Massmann, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Duane Morris Việt Nam, nhận định.

Dĩ nhiên nếu không đáp ứng được các hàng rào kỹ thuật mới, các hãng xe chỉ chuyên xuất khẩu vào Việt Nam buộc phải ngừng cuộc chơi, nhường thị phần lại cho các đối thủ khác. Những toan tính lợi và hại là điều mà các hãng buộc phải tính toán cẩn trọng trước khi đưa ra các quyết định cuối cùng, bởi dù sao Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ có tiềm năng tăng trưởng khả quan trong các năm tới.

Một yêu cầu khác cho các tất cả các nhà máy lắp ráp tại Việt Nam là phải xây dựng hệ thống đường kiểm tra cho từng chiếc CKD sản xuất, với độ dài tối thiểu 800 mét. Quy định này có hiệu lực từ năm 2019 và gây lo ngại cho tất cả những doanh nghiệp lắp ráp xe, cả nội lẫn ngoại. “Yêu cầu này tạo nên gánh nặng tài chính rất lớn, thậm chí việc đi thuê đường kiểm tra cũng khá đắt đỏ. Lý do là hầu hết các nhà lắp ráp không sở hữu hệ thống đường xá kiểm tra hay không có nhiều quỹ đất có sẵn để xây dựng”, Tiến sĩ Oliver Massmann cho biết.

Năm 2017 chứng kiến thị trường khá ảm đạm so với dự đoán. Tổng lượng xe bán được giảm 7,8% khi chỉ đạt 250.619 chiếc so với năm trước. Trong đó, người dẫn dầu thị trường là Thaco giảm 21%, hãng xe Honda giảm 5,5%, Ford sụt giảm 1,5%. Trong chiều ngược lại, hãng xe Toyota gia tăng nhẹ doanh số 4,1% hay hãng General Motor đạt mức 8,7%.

 Nguyên nhân là do người mua quan sát, chờ bước sang năm 2018 để tận hưởng giá rẻ hơn khi dòng xe nhập khẩu từ ASEAN về Việt nam có thuế suất bằng 0%. Nhưng với những quy định mới về chất lượng và độ an toàn, theo các chuyên gia sẽ tiếp tục là năm khó xác định của thị trường ô tô Việt Nam khi nguồn cung cho thị trường có thể khan hiếm hơn, khiến mặt bằng giá có thể sẽ không giảm mạnh như kỳ vọng.

Nội kiên trì thích ứng

Trong phần định hướng phát triển ngành sản xuất ô tô năm 2018, Bộ Công Thương khẳng định việc sẽ có một số các biện pháp nhằm để kiểm soát tốt lượng ô tô nhập khẩu và hỗ trợ cho sản xuất trong nước. Vì vậy, trong khi các doanh nghiệp ngoại đa phần phàn nàn thì các nhà sản xuất ô tô nội địa vẫn kiên trì đầu tư thêm dây chuyền, nhà máy và mở rộng kênh phân phối, chiếm lĩnh thị phần. Điển hình như Thaco Trường Hải đang đầu tư vào vào đường thử xe để đáp ứng Nghị định mới. Hãng này mới đây đã kí kết thỏa thuận làm đại lý phân phối độc quyền cho hãng sẽ BMW hay xuất khẩu dòng xe bus mà hãng này có lợi thế cạnh tranh về chi phí và công nghệ sang thị trường ASEAN kể từ năm nay.

Một hãng xe nội khác được kỳ vọng sẽ mang đến một sức bậc mới cho ngành ô tô trong nước là Vinfast. Cuối năm nay, tay chơi mới này dự kiến sẽ tung ra thị trường mẫu xe đầu tiên. Đi cùng dây chuyền sản xuất tại Hải Phòng đang gấp rút hoàn thành, Vinfast mới đây đã ký kết hợp tác với nhà thiết kế hàng đầu Pininfarina, mua bản quyền sở hữu trí tuệ của BMW để đẩy mạnh tốc độ triển khai.

Nga re moi cua cong nghiep o to
 

Nhưng không chỉ các doanh nghiệp nội địa nỗ lực thích nghi với các quy định mới. Nghị định 116 cũng có thể khiến một số doanh nghiệp ngoại xem xét lại chiến lược cạnh tranh của mình và thành lập thêm cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Điển hình là trường hợp của hãng Mitsubishi (Nhật).

Không giống như các đối thủ Toyota hay Honda, hãng này đã quyết định chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam dòng xe Crossover Mitsubishi Outlander từ tháng giêng năm nay. Dự kiến so với phiên bản nhập khẩu, giá thành phẩm của dòng xe lắp ráp tại Việt Nam sẽ thấp hơn tới 200 triệu đồng. Lý do là theo Nghị định 125/NĐ-CP, các hãng lắp ráp xe tại Việt nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 0% đối với linh kiện khi thỏa mãn một số tiêu chí về chất lượng và quy mô sản xuất.

Dù gặp nhiều thách thức trước mắt nhưng Việt Nam đang nằm trong khu vực chứng kiến thị trường ô tô gia tăng khả quan. Theo Công ty Nghiên cứu BMI, toàn thị trường ASEAN dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng 7,9% doanh số bán hàng trong năm nay, hơn gấp đôi so với mặt bằng chung toàn cầu.