Ngã rẽ của Vinamit
Chờ khá lâu, chúng tôi mới hẹn gặp được ông chủ Vinamit vì mỗi ngày, người đàn ông ngoài 50 tuổi này phải đi đi về về giữa TP.HCM và trang trại tại Bình Dương để đốc thúc quá trình thực hiện dòng sản phẩm hữu cơ organic. Đã thành công tại nhiều thị trường xuất khẩu và chiếm hơn 80% thị trường nông sản sấy nội địa, trái cây organic liệu chỉ là hướng đi theo phong trào hay một kế hoạch dài hơi nghiêm túc của Vinamit?
“Con đường ngắn nhất để chinh phục thị trường thế giới và vào được những hệ thống siêu thị lớn toàn cầu là sản phẩm organic”, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, mở đầu câu chuyện bằng lời khẳng định như vậy. Organic là xu hướng đã phổ biến trong lĩnh vực nông sản từ thập niên 1990 và được ông Viên ấp ủ từ lâu, nhưng Vinamit mới bắt tay hiện thực hóa chỉ từ 4 năm nay. Liệu Vinamit có quá “tham lam” khi tự thực hiện mọi quy trình từ gieo trồng, bảo quản, chế biến và phân phối khi nhiều nhà đầu tư khác đã sớm bỏ cuộc?
Ông Viên cho biết yêu cầu quan trọng nhất khi sản xuất organic là ruộng đất sạch, đủ dinh dưỡng, nguồn nhân lực hiểu và làm đúng quy trình chăm sóc cây. Chưa tìm được đơn vị đáp ứng các yêu cầu trên nên Vinamit phải tự tìm tòi và thực hiện toàn bộ thay vì chỉ là “trung gian giữa người canh tác và người tiêu dùng” như lâu nay.
Organic là lĩnh vực thu hút khá nhiều nhà đầu tư nông nghiệp vì muốn chiếm lợi thế tiên phong trong thị trường nhiều tiềm năng này. Bởi vì, người dùng ngày càng quan tâm tới thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe. Chẳng hạn, thị trường thực phẩm hữu cơ Úc có doanh số lên đến 1,16 tỉ USD. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chỉ có khoảng 10 đơn vị được cấp chứng nhận hữu cơ với chủng loại sản phẩm rất khiêm tốn. Mặt khác, nông nghiệp hữu cơ tốn rất nhiều công sức, tiền của nhưng nguồn thu lại chậm và ít.
Ông Nguyễn Lâm Viên. Ảnh: Sơn Phạm |
Cửa hàng giới thiệu sản phẩm organic của Vinamit nằm tại con đường đắt đỏ ở trung tâm quận 1, TP.HCM. Đây là nơi duy nhất phân phối dòng sản phẩm này tại thị trường trong nước vì định hướng hiện tại của Công ty là ưu tiên cho xuất khẩu. Giải thích lý do, ông Viên cho biết giá sản phẩm organic cao gấp đôi so với sản phẩm thông thường nên khó được người tiêu dùng đón nhận ngay. Tuy vậy, giá sản phẩm organic của Việt Nam thấp hơn khoảng 30% so với sản phẩm cùng loại của các nước khác. Do đó, Vinamit theo đuổi chiến lược xây dựng thương hiệu ở thị trường nước ngoài, rồi mới quay lại thị trường trong nước.
Organic là sản phẩm được nuôi trồng, bảo quản và chế biến không dùng thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp hay các chất hóa học. Khi chia sẻ ý định trồng cây theo mô hình này, ông Viên vấp phải nhiều sự phản đối và nghi ngờ. Không còn cách nào khác, vị Tổng Giám đốc đích thân xuống ruộng làm nông dân mỗi ngày, vừa làm vừa đào tạo cho nhân viên.
Bước đầu tiên trong canh tác hữu cơ là có được đất sạch và đủ dinh dưỡng, theo cách nói của ông Viên là “người phải nuôi đất, đất nuôi cây rồi cây lại nuôi người”. Ông Viên hào hứng chia sẻ quy trình nuôi đất theo cách của mình. Ban đầu, những xe ủi đất với độ sâu từ 1-1,2 m, sau đó đổ hỗn hợp vỏ trái cây, xơ dừa, cây gỗ xay vụn, phân bò... xuống hố để tạo mùn cho đất. Tuy nhiên, các nguyên liệu này cũng không dễ kiếm. Chẳng hạn, toàn bộ vỏ dừa khô Lương Quới có chứng nhận organic được Vinamit bao tiêu chở về nông trang mỗi ngày. Người dân nuôi bò quanh vùng được khuyến khích cắt cỏ organic trên trang trại của Vinamit cho bò ăn, rồi bán lại phân cho Công ty. Cây, lá, rơm... được băm nhỏ để cung cấp nguồn gỗ mùn hữu cơ cho đất. Mỗi năm, lớp đất mặt được nuôi trùn quế và tiếp tục phủ hỗn hợp cung cấp dinh dưỡng lên. Bằng cách làm này, mỗi năm, đất tăng được từ 1-2% độ mùn và đã có khoảng 200 ha đất ở trang trại Vinamit đáp ứng được yêu cầu đất sạch cho sản phẩm organic.
Sau khi thu hoạch, nông sản được cấp đông nhanh bằng công nghệ IQF (Individual Quick Frozen), sau đó chế biến bằng các phương pháp như chiên khí, chiên chân không và sấy thăng hoa rồi đóng gói. Toàn bộ quy trình sau thu hoạch cũng phải đáp ứng quy chuẩn organic, tức là xử lý mà không thêm vào bất kỳ hóa chất nào, kể cả đường, chất bảo quản, chất tạo độ chua... để giữ nguyên độ tự nhiên của sản phẩm. “Tôi tin rằng khi người tiêu dùng sử dụng nhiều sản phẩm organic, khẩu vị của họ sẽ phân biệt được sự khác biệt của organic với sản phẩm thông thường. Từ đó, nhu cầu đối với organic sẽ nhiều hơn, mở đường cho sự phát triển rộng rãi của dòng sản phẩm này”, ông Viên cho biết.
Với thế mạnh trong lĩnh vực trái cây sấy, ông Viên cho rằng, Vinamit có thể tạo giá trị gia tăng ít nhất 50% so với sản phẩm thông thường. Dù đặt mục tiêu chuyển dịch 100% thành sản phẩm organic, nhưng hiện năng suất của sản phẩm organic mới đạt 300 tấn so với công suất 10.000 tấn/năm của Vinamit. “Do đó, khuyến khích và tạo điều kiện cho nhiều người tham gia vào phong trào organic, nhất là người trẻ để xu hướng này trở thành trào lưu và tương lai Việt Nam có được những cánh đồng organic rộng rãi là điều tôi luôn ấp ủ”, ông Viên chia sẻ.
Quá trình hiện thực hóa giấc mơ organic của Vinamit từng gặp không ít thất bại. Chẳng hạn, nuôi heo rừng organic không dễ tìm được heo bố mẹ hữu cơ, được nuôi thả tự nhiên hoàn toàn. Ông Viên kể: “Có nhiều người giới thiệu heo cho chúng tôi, nhưng không thực sự organic. Heo organic không ăn cám, mà chỉ ăn thức ăn tự nhiên, được cho đi dạo, tắm nắng, phát triển tự nhiên nên tốc độ tăng đàn khá chậm. Còn với nông sản, sau khi trồng nếu phát hiện đất chưa sạch bệnh, phải chặt cây đi để tiếp tục cải tạo đất là chuyện thường ngày ở Vinamit”.
Không tránh khỏi những đối thủ cạnh tranh có lợi thế không kém về nông sản như Thái Lan, Philippines, Sri Lanka... ông Viên cho biết nhà sản xuất nên tập trung vào những sản phẩm lợi thế của nông sản Việt Nam, bắt đầu từ những loại cây dễ trồng và quen thuộc, đồng thời phải thực hiện chiến lược organic một cách trung thực, chứ không thể kiếm lợi trong một sớm một chiều.
Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, organic là xu hướng của thế giới, càng ngày nhu cầu về thực phẩm tốt cho sức khỏe, sạch là mối quan tâm của toàn cầu. Thị trường này còn rộng mở và vô cùng lớn cho các doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, nếu không kiên trì và tính toán kỹ lưỡng thì doanh nghiệp dễ gặp thất bại.
Hiện có 6 loại sản phẩm organic mang thương hiệu Vinamit được tung ra thị trường. Trong tương lai, theo tiết lộ của ông Viên, 53 loại cây trồng và thịt heo rừng của Vinamit đang chờ để được cấp chứng chỉ organic từ một tổ chức kiểm định của Mỹ. Ông cho biết, Công ty sẽ sớm cung ứng các dòng thực phẩm sạch như chuối, rau củ ngắn ngày với giá cạnh tranh để được nhiều người biết đến hơn. Có thể thấy sau thành công với cây mít, organic là ngã rẽ còn nhiều tiềm năng với Vinamit và sẽ có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.
“Organic là hướng đi khả thi trong bối cảnh Việt Nam hội nhập và phát triển nông sản theo hướng organic sẽ là lợi thế cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường quốc tế”, ông Viên nhận định.
Lan Anh