Nga, OPEC chạy đua giành thị phần dầu thô Trung Quốc
Quan hệ ấm lên đã giúp nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga tăng trước sự thất vọng của OPEC trong cuộc chiến giành thị phần tại Trung Quốc.
Đối mặt với giá dầu lao dốc và nhu cầu của Mỹ đang giảm, các nước xuất khẩu dầu thô ngày càng hy vọng nhiều hơn vào nhu cầu dầu thô của Trung Quốc. Nhưng Arab Saudi và các nước sản xuất lớn khác như Venezuela nhận thấy xuất khẩu dầu sang thị trường này giảm khi đòn trừng phạt của phương Tây đối với Nga khiến nước này chuyển hướng tăng xuất khẩu dầu sang Trung Quốc.
Vua Abudulla của Arab Saudi qua đời ít nhiều gây biến động cho chính sách dầu mỏ của OPEC mặc dù giới phân tích cho rằng Vương quốc này không thể thay đổi chiến lược và giảm sản lượng một phần vì dư cung toàn cầu đang khiến cuộc chiến giành thị phần Trung Quốc giữa OPEC và Nga ngày càng gay gắt,
Các quan chức OPEC lập luận rằng việc giữ nguyên mục tiêu sản lượng sẽ giúp giữ thị phần của OPEC tại các nước nhập khẩu dầu.
Nhưng số liệu hải quan Trung Quốc công bố hôm thứ Sáu 23/1 cho thấy nhập khẩu dầu thô của nước này từ một số nước OPEC chủ chốt năm 2014 giảm mạnh, đáng kể là từ Arab Saudi giảm 8%, từ Venezuela giảm 11%, trong khi nhập khẩu từ Nga tăng 36%.
Khi các công ty dầu Mỹ bơm ngày một nhiều hơn lượng dầu đá phiến, nhập khẩu dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Mỹ từ Arab Saudi giảm xuống 25,6 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2014 từ hơn 42 triệu thùng/ngày cùng kỳ năm 2013.
Nga chiếm 11% nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc năm 2014, tăng so với 9% năm 2013. |
Những thay đổi trong chính sách nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc là kết quả hướng Đông, nhất là Trung Quốc, của Tổng thống Nga Valadimir Putin khi kinh tế Nga gặp khó khăn do đòn trừng phạt của phương Tây.
Động thái này đã làm ấm thêm quan hệ giữa 2 nước vốn đang giành ảnh hưởng tại châu Á trong nhiều thập kỷ.
Về phần mình, Bắc Kinh muốn chắc rằng kinh tế Nga sẽ không suy sụp hơn nữa vì việc này có thể đe dọa sự ổn định tại vùng biên giới giữa Nga-Trung. Hơn nữa, việc tăng mua dầu từ Nga giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu từ Trung Đông – vốn có thể bị tổn thương do gián đoạn nguồn cung.
Quan hệ Nga-Trung bắt đầu ấm hơn vào tháng 5/2014 khi Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký thỏa thuận khí đốt trị giá hàng tỷ USD giữa 2 nước.
Giới phân tích và một số nhà ngoại giao phương Tây cho rằng 2 chính phủ vẫn đề phòng nhau. Các lô hàng dầu của Nga xuất sang Trung Quốc phản ánh sự cần thiết khi Moscow tìm cách khai thác thị trường mới nhưng điều này không có nghĩa là các nhà lãnh đạo 2 nước đã vượt qua được nhiều thập kỷ hoài nghi.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga tăng khi bản thân các thành viên OPEC đang cạnh tranh giành thị phần tại châu Á khi nhu cầu của Mỹ - thị trường lớn nhất trong nhiều năm qua – giảm do sự bùng nổ của dầu đá phiến.
Năm 2014, Arab Saudi và Iraq – 2 nước sản xuất dầu lớn nhất OPEC – đã giảm giá bán dầu cho khách hàng châu Á, một động thái được cho là chiến thuật để giành thị phần khi tiêu thụ toàn cầu chuyển sang phương Đông. Nhu cầu dầu của châu Á chiếm 70% xuất khẩu dầu thô của Arab Saudi, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Tất nhiên, các nước OPEC, nhất là Arab Saudi, sẽ tiếp tục xuất khẩu lượng lớn dầu thô sang Trung Quốc trong dài hạn. Sản lượng dầu nội địa của Trung Quốc ổn định trong khi nhu cầu tiếp tục tăng. Arab Saudi vẫn là nước cung cấp lớn nhất nguồn dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự đa dạng hóa của Trung Quốc sang Nga đang là mối lo ngại đối với Arab Saudi, Sushant Gupta, nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie.
Số liệu cho thấy thị phần của Arab Saudi tại Trung Quốc trong năm 2014 giảm so với Nga. Trong khi Nga chiếm 11% nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc năm 2014, tăng so với 9% năm 2013, thì Arab Saudi lại giảm xuống 16% từ 19% năm 2013.
Và nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga sẽ tiếp tục tăng. Dự đoán, xuất khẩu dầu thô của Nga sang Trung Quốc sẽ vượt 50 triệu tấn/năm vào năm 2020 từ trên 30 triệu tấn năm 2014, theo dự báo của ông Gupta.
Nguồn DVO/WSJ