Thứ Năm | 25/12/2014 12:43

Nga ngừng xuất khẩu ngũ cốc

Nga đã quyết định ngừng xuất khẩu ngũ cốc nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa, gây rủi ro cho các hoạt động giao dịch quy mô lớn.

Các nước nhập khẩu chủ chốt ngũ cốc của Nga như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Ai Cập rất dễ tổn thương trước sự gián đoạn nguồn cung từ Nga.

Moscow đã áp đặt biện pháp kiểm soát xuất khẩu ngũ cốc với việc kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn và hạn chế bốc xếp hàng lên xe lửa hồi đầu tháng 12 trong một nỗ lực đối phó với khủng hoảng tài chính do giá dầu tuột dốc và đòn trừng phạt của phương Tây.

Theo ông Arkady Zlochevsky, người đứng đầu Liên minh Ngũ cốc Nga – tổ chức vận động hành lanh của nông dân, từ thứ Năm tuần trước 18/12, không có chuyến hàng nào – đã lên lịch theo hợp đồng đã ký – rời cảng.

Các quan chức hiện đang lên kế hoạch áp thuế xuất khẩu ngũ cốc. Ông Zlochevsky cho rằng mức thuế cụ thể không quan trọng vì theo ông chắc chắn hoạt động xuất khẩu sẽ bị cấm.

Tuy chính phủ Nga cho biết sẽ không dừng xuất khẩu, nhưng đã tạm dừng mọi lô hàng bằng cách từ chối cấp chứng nhận kiểm dịch thực vật cần thiết và Công ty Đường sắt Nga cũng tạm dừng vận chuyển hàng đến các cảng xuất.

Toàn bộ hoạt động bốc xếp hàng đều bị ngừng lại và giá lúa mỳ kỳ hạn toàn cầu đã tăng ngay sau bình luận của ông Zlochevsky.

Người phát ngôn của Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich không đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Năm 2008, Nga đã áp thuế xuất khẩu lúa mỳ và chính thức cấm xuất khẩu vào năm 2010 khi hạn hán gây thiệt hại cho mùa vụ.

Lệnh cấm năm 2010 phần nào là nguyên nhân gây bất ổn xã hội và cuộc cách mạng tại Ai Cập khi hơn 500.000 tấn lúa mỳ không được cung cấp và giá lúa mỳ toàn cầu tăng mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến chương trình trợ cấp bánh mỳ của Ai Cập, theo ông Zlochevsky.

Khoảng 3 triệu tấn ngũ cốc đã lên lịch xuất khẩu đến cuối tháng 1/2015 hiện đang bị tắc lại, ông Zlochevsky cho biết.

Kết quả là Nga không thể cung cấp lúa mỳ cho Cơ quan Cung cấp Hàng hóa Ai Cập (GASC) vào tháng 1/2015.
Trong khi đó, Mamdouh Abdel Fattah, phó chủ tịch GASC hôm 24/12 cho biết, các công ty thương mại buộc phải tuân thủ hợp đồng vận chuyển lúa mỳ Nga sang Ai Cập.

GASC đã mua 180.000 tấn lý mỳ giao tháng 1/2015, trong đó 120.000 tấn giao vào 11-20/1/2015 và 60.000 tấn giao vào 21-31/1/2015.

Theo một công ty thương mại trụ sở tại Cairo, trong trường hợp không thể giao lúa mỳ của Nga do quyết định của chính phủ Nga, các công ty có thể tiến hành đàm phán với GASC để thay đổi nguồn hàng.

Nga, dự đoán là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ 4 thế giới trong năm nay, đã xuất khẩu khối lượng ngũ cốc kỷ lục 105 triệu tấn.

Nguồn DVO/Reuters/Bloomberg