Thứ Hai | 17/11/2014 08:30

Nga mua vàng nhiều nhất trong quý III/2014

Theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới, lượng vàng mua vào của Nga chiếm 59% tổng khối lượng mua vào ngân hàng trung ương các nước trong quý III/2014.

Nga đang tăng lượng vàng nắm giữ kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và đòn trừng phạt của phương Tây thời gian gần đây càng khẳng định với các nhà hoạch định chính sách Nga rằng họ đang đi đúng hướng.

Ngân hàng trung ương các nước liên tục mua ròng vàng kể từ năm 2010.

Các nền kinh tế mới nổi đang thay đổi chiến lược. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và vỡ nợ của châu Âu đã làm xói mòn niềm tin vào dự trữ ngoại tệ như USD và euro. Các nhà kinh tế học thân cận của Điện Kremlin đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng đồng USD đang yếu đi do Fed in quá nhiều tiền và rằng Nga cần giảm sự lệ thuộc vào hệ thống tài chính ốm yếu của phương Tây. Những ý tưởng này có thể rất thuyết phục.

Sau khi sáp nhập Crimea hồi tháng 3, Sergei Glazyev, cố vấn kinh tế của ông Putin, đã biến “quyền tài chính” trở thành đề tài nóng ở Nga. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 5, ông Glazyev cho biết, hiện tại mọi đồng tiền có thể chuyển đổi tự do đều nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ: euro thông qua cơ chế NATO, bảng Anh thông qua liên minh giữa Mỹ và Vương quốc Anh, yên Nhật thông qua sự lệ thuộc về chính trị của Nhật Bản vào Mỹ. Tuy nhiên, tài sản trong đồng tiền của các đối tác đang được thay thế. Kim loại quý cũng vậy. Ông Glazyev tin rằng trong bối cảnh xung đột chính trị và quân sự, giá vàng sự lại tăng.

Dự đoán của ông Glazyev đã sai. Mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây không giúp giá vàng hồi phục. Giá vàng giao ngay đã giảm 16% trong năm nay từ mức đỉnh đạt được hôm 14/3, cho dù lượng vàng mua vào của Nga tăng lên. Sau khi mua 6 tấn vàng trong quý I/2014, Nga đã mua thêm 109 tấn trong quý II và quý III/2014, cao hơn cả năm 2012 và năm 2013, theo số liệu của WGC.

Dự trữ vàng của Nga giờ đây lớn hơn của Trung Quốc và đứng ở vị trí thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Đức, Italia và Pháp. Tính theo USD, vàng chiếm 10,5% tổng dự trữ của Nga tính đến 1/11, tăng từ 8,4% cùng kỳ năm 2013. Con số này phản ánh sự trượt giá của đồng nội tệ ruble cũng như sụt giảm dự trữ tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nga trong nỗ lực cấp vốn cho các công ty Nga không thể vay vốn nước ngoài do đòn trừng phạt.

Giai đoạn tháng 4 đến tháng 9, dự trữ vàng của Nga tính theo USD chỉ tăng thêm 1,6 tỷ USD, mặc dù 109 tấn vàng mua thêm trong quý II và quý III của Ngân hàng trung ương Nga có giá trị 4,2 tỷ USD tính đến 1/10. Giá vàng giảm trong thời gian này không đủ thuyết phục để giải thích cho sự khác biệt.

Nói cách khác, số liệu của Nga dường như đang hạ thấp giá trị khối lượng vàng của nước này, cho dù tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối đang tăng. Ngân hàng trung ương Nga dùng đồng ruble để mua vàng từ các nhà sản xuất trong nước – trước khi có lệnh trừng phạt, các nhà sản xuất thường bán phần lớn lượng vàng của họ cho các ngân hàng Nga.

Kể từ khi phương Tây và Mỹ áp đặt đòn trừng phạt, xuất khẩu vàng của các ngân hàng quốc doanh của Nga bị ngưng trệ, cho dù vàng không nằm trong danh sách chịu đòn trừng phạt. Nhu cầu quốc tế giảm đã cho phép ngân hàng trung ương Nga bổ sung lượng vàng dự trữ với giá thấp hơn.

Nguồn DVO/Bloomberg