Nếu tỷ giá nới thêm 1%, nợ nước ngoài sẽ tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng
Chia sẻ này được ông Quốc Anh - Vụ phó vụ kinh tế dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại buổi giao ban về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 3 và quý I/2015 diễn ra sáng nay (ngày 25/3/2015).
Vừa qua đồng đô la Mỹ (USD) tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác. Tính đến ngày 19/3/2015 đồng USD tăng 12% so với Euro, đồng thời cũng tăng so với một số đồng tiền khác trong đó có một số nước châu Á. Chính vì thế đã cómột số quốc gia khác đang chủ động giảm giá đồng tiền để kích thích xuất khẩu.
Và ở Việt Nam nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã đặt vấn đề: NHNN nên tăng biên độ tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Quốc Anh cho rằng, thông điệp của Thống đốc NHNN là năm nay sẽ nới tỷ giá 2% và đầu năm đã nới một lần (biên độ 1%). Nếu nhìn vào cơ cấu doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện nay thì xuất khẩu chủ yếu hiện nay thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) do đó nếu phá giá đồng Việt Nam thì chưa chắc đã hỗ trợ được xuất khẩu.
Trong khi đó, “Nếu tỷ giá phá thêm 1% thì xuất khẩu chỉ tăng được 0,27%, còn ở chiều ngược lại nhập khẩu tăng gây lên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của xuất khẩu và tình hình vĩ mô trong nước cụ thể là lạm phát và niềm tin của người dân” – Ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Theo ông Quốc Anh, sau rất nhiều nỗ lực hiện NHNN đã kiểm soát khá tốt giá USD, thị trường vàng và niềm tin của người dân vào tiền đồng nếu bây giờ phá giá VND thì sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân.
Đặc biệt, ông Quốc Anh nhấn mạnh, việc phá giá VND sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nợ nước ngoài của Việt Nam vì hiện Việt Nam vay nợ nước ngoài chủ yếu là đồng USD (chiếm 80%) và theo tính toán nếu nới thêm 1% tỷ giá thì nợ nước ngoài của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng.
Do đó, ông Quốc Anh nói: Không nên đặt vấn đề phá giá VND vào giai đoạn hiện nay vì nó sẽ không hỗ trợ xuất khẩu mà tác động của mặt trái là rất nhiều.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi ông Trương Văn Phước – Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng việc tỷ giá biến động gần đây chủ yếu là do tâm lý của người dân trước việc đồng USD đang lên giá mạnh so với đồng Euro.
Ông Phước cũng cho rằng, nếu nhìn vào thực tế của Việt Nam thì việc đồng Euro mất giá không có tác động nhiều vì xuất khẩu của Việt Nam hiện chủ yếu thanh toán bằng đồng USD. Trong khi đó, những thông số khác như: Dự trữ ngoại hối, vốn FDI, xuất nhập khẩu... vẫn đang rất tốt.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc “lo xa” và “thổi phồng” của một số chuyên gia cũng phần nào tác động đến tâm lý của người dân và đợt biến động tỷ giá lần này.
Được biết hiện NHNN vẫn đang bám sát thị trường trong những ngày qua và NHNN sẽ sớm đưa ra thông điệp mạnh mẽ.
Nguồn CafeF/Trí Thức Trẻ