Thứ Tư | 25/03/2015 17:32

Nếu TPP không được ký, ngành dệt may sẽ ra sao?

Theo đại diện VDSC, câu trả lời nằm ở thời điểm ký. Sự phát triển ngành dệt may còn căn cứ ở sức mua của các thị trường nước ngoài.

Chiều nay (25/3), Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tổ chức Hội thảo Triển vọng Thị trường Chứng khoán Việt Nam 2015 và Chiến lược đầu tư.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Phước Tài, Chuyên viên tư vấn đầu tư VDSC cho biết ngành dệt may năm 2015 đứng trước nhiều triển vọng tăng trưởng tích cực, dựa trên 4 yếu tố chính.

Thứ nhất, năm 2015, khi TPP cùng các hiệp định tự do thương mại với Hàn Quốc, EU và liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan được ký kết, cơ hội tăng trưởng cho hàng dệt may Việt Nam tiếp tục được mở rộng. Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2015 sẽ tăng khoảng 16%, đạt hơn 28 tỷ USD.

Thứ hai, sức khỏe của các nền kinh tế lớn cũng có ảnh hưởng lớn đến triển vọng tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam.

Thứ ba, xu hướng giảm giá các nguyên phụ liệu đầu vào như sợi, vải có thể vẫn tiếp diễn và giúp cải thiện biên lợi nhuận ngành.

Thứ tư, để đón đầu hiệp định TPP và các hiệp định FTA, nhiều công ty nước ngoài đã và đang có những hoạt động đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam.

Theo VDSC, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã tiến hành đầu tư thêm theo 4 xu hướng đầu tư chính: (1) mở rộng năng lực gia công hiện hữu; (2) hoàn thiện chu trình sản xuất; (3)phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn và (4) xây dựng hệ thống bán lẻ để khai thác thị trường nội địa.

Đứng trước câu hỏi, nếu TPP không được ký kết, ngành dệt may và nhóm cổ phiếu ngành dệt may sẽ ra sao, ông Tài cho biết rủi ro của ngành này không nằm ở việc TPP được ký kết hay không ký kết. Theo ông Tài, bản thân ngành dệt may không chịu ảnh hưởng quá lớn từ TPP mà ở sức mua từ các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng dệt may trong những năm qua đang tốt lên, trên 2 con số.

Do đó, việc không ký kết TPP là điều đáng tiếc nhưng không phải là yếu tố quyết định sự sống còn của ngành dệt may. Với ông Tài, câu hỏi không phải là có ký hay không, vấn đề chỉ là thời điểm ký.

Ngành dệt may được đánh giá là 1 trong 5 ngành tiềm năng của năm 2015, theo VDSC, ngoài ra còn có ngành xây dựng, bất động sản, kho vận và ngân hàng. Việc đánh giá tiềm năng ngành dựa trên 5 tiêu chí cơ bản: triển vọng cung - cầu 2014, chính sách, tiềm năng tăng trưởng dài hạn, cải tiến công nghệ và môi trường cạnh tranh.

Nguồn DVO