“Nếu sử dụng hết dự phòng, nợ xấu của hệ thống chỉ là 2,2%”
Tính đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu của toàn hệ thống là 160,94 nghìn tỷ đồng, tăng 21,5% so với cuối tháng 5/2014 và tăng 38,2% so với cuối năm 2013. Số dư nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu đã tăng đáng kể trong tháng 6/2014, đặc biệt sau khi Thông tư 02 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chính thức được áp dụng từ 1/6/2014.
Nợ xấu tăng mạnh do Thông tư 02, Thông tư 09 có hiệu lực nằm trong tính toán của NHNN?
Nợ xấu tăng do những thay đổi trong các quy định mới của NHNN nhằm yêu cầu các TCTD đánh giá nợ xấu một cách chính xác hơn để có các biện pháp xử lý thích hợp. Cụ thể, nợ xấu tăng trong ngắn hạn sau khi Thông tư 02 có hiệu lực là phù hợp với tác động về mặt chính sách và mục tiêu quản lý của NHNN. Nguyên nhân, vì quy định tại Thông tư 02 và Thông tư 09 có nhiều điểm chặt chẽ hơn về phân loại nợ và cơ cấu lại nợ nhằm từng bước đưa nợ xấu của các TCTD phù hợp hơn với rủi ro tín dụng. Nợ xấu tăng lên theo quy định mới về phân loại nợ cũng phản ánh quyết tâm của ngành ngân hàng trong việc phân loại và xử lý nợ xấu. Kết quả phân loại nợ theo Thông tư 02 sẽ tạo áp lực mạnh mẽ hơn cho các TCTD trong việc xử lý nợ xấu trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến việc nợ xấu đang có xu hướng gia tăng chủ yếu xuất phát từ những khó khăn nội tại của nền kinh tế. Cụ thể, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp chậm phục hồi, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn ở mức cao, số doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động tiếp tục gia tăng...
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của các NHTM vừa công bố cho thấy, nợ có nguy cơ mất vốn (nợ nhóm 5) đang tăng rất mạnh. Điều này sẽ tác động như thế nào tới hoạt động ngân hàng?
Nợ nhóm 5 tăng xuất phát từ những nguyên nhân chung như đề cập ở trên, đồng thời còn do việc xử lý nhóm nợ này gặp nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo. Đặc biệt là khâu phát mại tài sản với thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian và thị trường bất động sản chưa phục hồi.
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu đang ở mức cao, song hệ thống ngân hàng đang tích cực xử lý, đã có những giải pháp quyết liệt để kiềm chế và xử lý nợ xấu nhóm 5 nói riêng bằng việc trích lập dự phòng rủi ro trong bối cảnh hoạt động còn nhiều khó khăn. Số nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro đang tăng lên trong thời gian gần đây và sẽ đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm khi các TCTD đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu.
Do vậy, theo tôi, nợ xấu tuy có tăng trong năm, song sẽ giảm vào cuối năm và trích lập dự phòng rủi ro sẽ hạn chế tác động của việc tăng nợ xấu nhóm 5 đến hoạt động ngân hàng.
Ông có tự tin quá không khi cho rằng, nợ xấu tuy có tăng trong năm song sẽ giảm vào cuối năm?
Đến cuối tháng 6/2014, số dư dự phòng còn lại của toàn hệ thống đạt mức 77,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cuối năm 2013. Nếu toàn bộ số dự phòng này được sử dụng để xử lý nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống sẽ giảm xuống còn khoảng 2,2%. Do vậy, vấn đề nợ xấu hiện nay cũng không đáng quan ngại và trong tầm kiểm soát vì quỹ dự phòng của các TCTD ở mức khá và tiếp tục có xu hướng tăng.
Với những ý kiến cho rằng, NHNN chậm xử lý nợ xấu, ông có bình luận gì?
NHNN đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD thường xuyên đánh giá lại, phân loại đúng chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ theo chuẩn mực mới về phân loại nợ của NHNN. Tiếp tục cơ cấu lại nợ, hỗ trợ vốn để khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động. Các ngân hàng phải trích lập đầy đủ và tích cực sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.
Cùng với đó, việc tăng cường các giải pháp mở rộng tín dụng phải gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Phối hợp chặt chẽ với Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) để triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, NHNN sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP nhằm tạo môi trường thông thoáng, đặc biệt là cơ sở pháp lý cho việc xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm theo hướng trao quyền chủ động nhiều hơn cho VAMC và các TCTD trong việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm đi đôi với việc tăng cường tính minh bạch, công khai trong bán, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.
Bên cạnh đó, NHNN cũng mong muốn các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, xử lý hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Ban hành văn bản hướng dẫn về xử lý tài sản đảm bảo, đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các vụ án có liên quan đến hoạt động ngân hàng để tạo điều kiện cho các TCTD thu hồi nợ.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán