Ảnh: http://lambinh.tuyenquang.gov.vn

 
Khánh Nguyên Thứ Hai | 24/06/2019 14:00

Nếu đồng bằng ít lúa...

Đồng bằng sông Cửu Long cần nhiều hơn 2 tỉ USD để tạo nên sức bật mới với đúng tiềm năng.

Đã nhìn thấy nhiều kết quả đáng ghi nhận sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể, tăng trưởng GDP của vùng năm 2018 đạt mức ấn tượng 7,8%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây, cao hơn mức tăng trưởng GDP cả nước là 7,08%; kim ngạch xuất khẩu toàn vùng lần đầu tiên đạt 15,7 tỉ USD. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp đang đi đúng hướng với việc giảm diện tích và giảm giá trị sản xuất lúa gạo từ từ 27,7% xuống 26,4% trong giai đoạn 2015-2018.

Đáng lưu ý, điểm nghẽn hạ tầng đã được hứa hóa giải bằng khoản đầu tư dự kiến 2 tỉ USD như Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất phân bổ trong 5 năm tới. Theo kế hoạch của ngành giao thông vận tải sẽ ưu tiên đầu tư tăng sự kết nối giữa TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long và giữa đồng bằng sông Cửu Long với Campuchia, kết nối các tuyến trục ngang với trục dọc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thậm chí, xây dựng một cảng nước sâu tại vùng kinh tế này cũng đang nằm trong dự tính của những người đứng đầu ngành giao thông vận tải. Rõ ràng, chúng ta sẽ tạo mọi điều kiện thay đổi diện mạo đồng bằng sông Cửu Long và chưa cần tính tới hiệu quả, trong ngắn hạn, GDP của khu vực này sẽ đạt được mức dự kiến. Thế nhưng, nếu chỉ có vậy, mục tiêu phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Nghị quyết 120 có đạt được kết quả như ý?

Neu dong bang it lua...
 

Có thể, chính trăn trở này đã tạo nên những khoảng lặng giữa những ồn ào, náo nhiệt về thành tích đã đạt được sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120. Ở đó, câu hỏi “Ai là trung tâm trong chiến lược phát triển đồng bằng sông Cửu Long và sau 2 năm những tác động tích cực đến đối tượng này là gì?” vẫn đang đòi hỏi một lời đáp thỏa đáng. Giáo sư Võ Tòng Xuân nói thẳng khi trao đổi với NCĐT: “Các bộ đều nói về những tiến bộ nhưng xét từ đời sống của người dân đồng bằng sông Cửu Long, liệu đã có những thành tựu thật sự đáng được khen ngợi?”.

Người ta nghĩ ngay tới câu chuyện cây lúa. Hầu như không năm nào, đến vụ thu hoạch, nông dân đồng bằng sông Cửu Long lại không rối bời vì giá lúa giảm. Quyền sinh sát nằm trong tay thương lái, vì thế, rất nhiều hộ nông dân phải ngậm đắng bán hạt gạo một nắng hai sương với mức giá còn xa mới như kỳ vọng.

Không thể đặt vấn đề chuyển đổi dần sang việc trồng lúa chất lượng tốt, giá thành cao… đối với đại đa số người nông dân vùng châu thổ miền Nam. Lý do rất đơn giản, dù có gạo tốt, họ cũng biết bán cho ai? Sự trì trệ trong lối mòn xuất khẩu lấy số lượng, cạnh tranh bằng giá rẻ của Tổng Công ty Lương thực miền Nam Vinafood 2 khiến một mặt xuất khẩu gạo bị phụ thuộc vào sự trồi sụt của các thị trường lớn như Trung Quốc, Philippines, mặt khác, triệt tiêu động lực làm ra hạt gạo tốt của người trồng lúa. Vòng luẩn quẩn khép chặt cả đường đi của hạt gạo lẫn sinh kế của nông dân và tâm sự của một người nông dân Tiền Giang, trồng 5 công lúa chỉ có lãi “mua được chiếc nồi cơm điện mới và đóng tiền năm học mới cho hai con” không phải là cá biệt.

Kịch bản của cây lúa đang lặp lại với trái xoài, chôm chôm, con tôm, con cá tra… Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, việc sản xuất ra không biết bán cho ai, giá cả ở mức nào khiến nông dân e ngại khi chuyển đổi cây trồng theo khuyến nghị. Song song đó, lại tồn tại tình trạng chuyển đổi một cách tự phát, không theo quy hoạch vùng dẫn đến dư thừa sản lượng, trong khi khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa phát triển khiến lượng nông sản dư thừa bị đổ bỏ, gây thiệt hại lớn về kinh tế...

Neu dong bang it lua...
 

Về phát triển công nghiệp, dù nguồn vốn FDI đổ vào đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tăng nhưng thường đầu tư vào các lĩnh vực chế tạo thiết bị, công nghệ kỹ thuật. Bài học Lee&Man, nhà máy sản xuất giấy từ giấy phế liệu gây ô nhiễm rất cần được cân nhắc đặc biệt khi dự định 2 tỉ USD đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành mật ngọt thu hút khối doanh nghiệp FDI. Ở đây, không chỉ là việc xây đường, xây cầu chủ yếu phục vụ doanh nghiệp FDI, nếu để xảy ra thảm kịch môi trường, sinh kế của hàng chục triệu người dân khu vực này sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Trong khi đó, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp, tận dụng các sản phẩm thế mạnh của vùng kinh tế và cũng là nhóm ngành lan tỏa tích cực đến nền kinh tế trong nước, ít ảnh hưởng đến môi trường hơn các ngành công nghiệp chế biến hầu như không được khối FDI quan tâm. Chúng ta chưa nghe thấy những phát biểu thật sự ấn tượng về thực trạng này, kéo theo đó là chủ trương đầu tư cơ sở hạ tầng theo quan điểm phát huy tối đa được lợi thế so sánh của vùng kinh tế.

Cuối cùng và quan trọng nhất là tư tưởng “thuận thiên’’ trong phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long. Phải xác quyết tinh thần này bởi trước và sau Nghị quyết 120, vẫn còn đó các dự án, công trình hàng ngàn tỉ đồng mang danh ngọt hóa hay ngăn mặn mà mới đây là dự án Cái Lớn - Cái Bé bị đặt nghi vấn về hiệu quả. Hay sự đổ bộ của các nhà máy FDI sẽ mang lại gì cho khu vực và có đi ngược lại tinh thần chủ đạo này không.