Thứ Sáu | 04/10/2013 17:34

Nên lấy gì “đo” tình hình kinh tế?

Nền kinh tế Việt Nam đang ở trong tình trạng như thế nào, liệu kinh tế đang được cải thiện hay thụt lùi, hay vẫn như thế?
Những ý kiến nhận xét về tình hình kinh tế Việt Nam trong suốt thời gian qua là rất khác nhau, dù có thể những ý kiến đó đều mang thiện chí mong muốn tình hình tốt hơn trong thời gian tới.

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu vừa được tổ chức mới đây, dư luận hết sức chú ý đến những phát biểu đều hết sức thẳng thắn, đa chiều nhưng rõ ràng là chưa thống nhất cho cùng một câu hỏi: Nền kinh tế Việt Nam đang ở trong tình trạng như thế nào, liệu kinh tế đang được cải thiện hay thụt lùi, hay vẫn như thế?

Tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2013, ngoài những thành tựu đạt được khiến nền kinh tế được nhìn nhận là “chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện”, Chính phủ đã khái quát như sau về những khó khăn của tình hình kinh tế: "Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa thực sự vững chắc; lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn; dư nợ tín dụng tăng chậm; thu NSNN gặp nhiều khó khăn, tiến độ thu đạt thấp so với dự toán. Thị trường và sức mua phục hồi chậm. Sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động còn cao".

Tuy nhiên, thời gian qua, những cụm từ như “chưa chạm đáy”, “dưới đáy” chu kì tăng trưởng, thậm chí “suy kiệt” được nhắc đến với tần suất không nhỏ trên báo chí và một số diễn đàn, trong đó có Diễn đàn Kinh tế mùa Thu, cho thấy một số chuyên gia kinh tế không hoàn toàn đồng ý với đánh giá trên. Sự khác biệt trong cách nhìn nhận trước cùng một thực tế - từ những góc nhìn khác nhau - là chuyện dễ hiểu, bình thường trong cuộc sống, nhưng với những người “đứng mũi chịu sào”, đánh giá đúng đắn về tình hình là điều vô cùng quan trọng, là một trong những yếu tố tiên quyết để đưa ra quyết sách, giải pháp.

Có lẽ sẽ không cần phải nhắc lại những chỉ số cụ thể về tình hình kinh tế, vì những bình luận, phân tích dù cùng sử dụng số liệu đó lại không trùng khớp. Câu hỏi đặt ra là, ta sẽ căn cứ vào đâu để đánh giá tình hình? Ta sẽ lấy gì để so sánh những kết quả và hạn chế của nền kinh tế?

Có một câu chuyện ngụ ngôn về cốc nước như sau: Khi nước chiếm một nửa thể tích của cái cốc, người bi quan thì bảo cốc nước chỉ còn một nửa, người lạc quan thì nói cốc nước hãy còn hẳn một nửa. Còn người thực tế thì nhìn thấy thể tích cái cốc gấp đôi so với thể tích lượng nước. Tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian qua – với cả những thành tựu, kết quả và cả những khó khăn, tồn tại của nó – có lẽ cũng được nhìn nhận như vậy. Không khó để thấy rằng, thước đo đáng tin cậy nhất là những mục tiêu, chỉ tiêu đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra, đặt trong bối cảnh mà những mục tiêu đó được đề ra và thực hiện.

Một mặt, những mục tiêu, chỉ tiêu đó là cơ sở nhìn nhận, đánh giá những khó khăn, bất cập của nền kinh tế. Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết dự kiến trong năm 2013, đã có tới 7/15 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Đó là cách nhìn trực diện, thẳng thắn, không né tránh thực tế.

Nhưng mặt khác, những mục tiêu, chỉ tiêu đó cũng là cơ sở để đánh giá đầy đủ, khách quan về những kết quả đã đạt được. Từ cách tiếp cận này, tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu, TS Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu xét trên mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô” thì kết quả của năm 2013 là tích cực.

Phát biểu kết thúc Diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý "phải nhìn cả điểm sáng chứ không thể chỉ nhìn vào điểm tối của nền kinh tế", không thể nói cả nền kinh tế tê liệt, đất nước vẫn tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân vẫn được quan tâm, cho dù có khó khăn, có trì trệ".

Tương tự, các tổ chức quốc tế cũng có những cái nhìn tích cực, đáng khích lệ với kinh tế Việt Nam, trên cơ sở thừa nhận sự đúng đắn của những mục tiêu mà Việt Nam đang theo đuổi. Tại cuộc gặp mới đây với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong thời gian vừa qua, kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, qua đó tạo nền tảng vĩ mô ổn định, vững chắc để góp phần thu hút mạnh hơn nữa các luồng vốn FDI nhằm hỗ trợ Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế.

Mới đây nhất, ngày 2/10, cả hai ngân hàng nước ngoài lớn tại Việt Nam là HSBC và ADB đều có báo cáo đánh giá về sự phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh những kết quả ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam đã qua giai đoạn khó khăn nhất, môi trường vĩ mô của Việt Nam đang chuyển biến tốt hơn, dù vẫn còn đó không ít những lo ngại.

Không ai phủ nhận những khó khăn trong thời gian qua của nền kinh tế, nhưng những khó khăn càng rõ ràng thì những kết quả đạt được càng có ý nghĩa, vì để đạt được phải vượt qua những trở ngại rất lớn. Như ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nói với báo chí: “Phải ổn định kinh tế vĩ mô vì đó là điều kiện cần không chỉ của tăng trưởng kinh tế mà là một trong những điều kiện để đảm bảo đất nước ổn định. Nếu tăng trưởng thấp đi mà kinh tế vĩ mô ổn định hơn thì đây chính là cái giá của sự đánh đổi”.

Ông Phước cũng nhắc tới một khía cạnh đáng tiếc trong những khen chê suốt thời gian qua. Ấy là, “rất nhiều chuyên gia bình luận về nguyên nhân, triệu chứng bệnh của nền kinh tế nước ta nhưng ít thấy kê toa, bốc thuốc. Ít người đề xuất làm gì và làm như thế nào lại càng ít nói đến”. Cùng quan điểm này, TS Cao Sỹ Kiêm, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nói: “Có rất nhiều người nói rất hay về tồn tại, yếu kém của nền kinh tế đất nước nhưng hầu như không chỉ ra địa chỉ cụ thể và cùng với nó là giải pháp”.

Lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia. Nhưng Chính phủ trông đợi nhiều hơn những kiến nghị mang tính “kê toa, bốc thuốc”, để “giúp cho Chính phủ có những quyết sách mạnh mẽ hơn giúp nền kinh tế nhanh phục hồi hơn”, như phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính tại Diễn đàn Kinh tế nói trên.

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện