Thời gian qua Chính phủ đã ban hành một loạt các giải pháp để vực dậy nền kinh tế. Ảnh minh họa: Quý Hòa.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng rõ nét từ quý III
Khó khăn liệu đã qua?
Thời gian qua, nền kinh tế toàn cầu đã trải qua không ít khó khăn từ dịch bệnh, lạm phát đến những hệ lụy của việc tăng lãi suất. Liệu rằng giai đoạn "đen tối" của nền kinh tế toàn cầu sắp qua đi hay chưa?
Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính, ông Chung Jae Hoon, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, để đánh giá tình hình hiện tại của nền kinh tế toàn cầu, chúng ta sẽ xem xét 3 nền kinh tế đầu tàu của thế giới gồm Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Tại Mỹ, chính sách tiền tệ vẫn đang tiếp tục được thắt chặt, lạm phát đã được kiểm soát phần nào khi tạo đỉnh kể từ giữa năm 2022 và liên tục giảm qua các tháng. Tại cuộc họp ngày 3/5 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản, tương đương 0,25% bất chấp biến động trong ngành ngân hàng. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 5-5,25%, đây là mức cao nhất trong hơn 15 năm qua và là lần thứ 10 tăng lãi suất liên tiếp kể từ tháng 3/2022.
Ngoài ra, thị trường tài chính Mỹ cũng đang cho thấy những vấn đề khi xảy ra các vụ phá sản của các ngân hàng cỡ vừa. Bên cạnh đó, tính đến tháng 1/2023, nợ công của Mỹ đã chạm đến trần nợ là 31.400 tỉ USD và Chính phủ chỉ còn đủ tiền chi trả đến đầu tháng 6 nếu không tăng trần nợ công. Hiện tại, châu Âu cũng có diễn biến tương tự Mỹ với chính sách tiền tệ thắt chặt, lạm phát tại đây cũng đã tạo đỉnh từ tháng 10/2022 và liên tục giảm qua các tháng. Châu Âu cũng vừa trải qua một loạt vấn đề trong hệ thống ngân hàng với vụ việc liên quan đến Ngân hàng Credit Suisse.
Còn tại Trung Quốc, quốc gia này lại có chính sách tiền tệ nới lỏng cùng các gói hỗ trợ được đưa ra nhằm thúc đẩy nền kinh tế sau khi mở cửa trở lại. Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trên đà hồi phục. Tuy nhiên, sự phục hồi tại đây diễn ra không đồng đều, bằng chứng là lạm phát liên tục giảm kể từ đầu năm 2023, doanh số bất động sản trong tháng 3/2023 đã có sự phục hồi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn.
Như vậy, có thể thấy các đầu tàu kinh tế thế giới đều đang gặp những vấn đề riêng. Tuy nhiên, thời điểm khó khăn được nhìn nhận đang dần đi qua. “Theo chúng tôi, ngoại trừ Trung Quốc, các nền kinh tế chủ chốt sẽ tiếp tục trì trệ thêm một thời gian nữa cùng với quá trình lập đỉnh của lãi suất và dần chuyển sang trạng thái cải thiện nhẹ trong các quý tiếp theo, cho dự báo tăng trưởng 2,5% trong năm 2023”, ông Chung Jae Hoon chia sẻ.
Việt Nam và mục tiêu tăng trưởng 6,5%
Nhìn về Việt Nam, trong quý I/2023 GDP đạt mức tăng trưởng khả quan nhưng vẫn chỉ đạt 3,32%, khiến việc thực hiện mục tiêu trong cả năm là 6,5% thêm khó khăn hơn.
Theo ông Chung Jae Hoon, hiện tại các nước khác cũng chưa công bố hết dữ liệu GDP quý I. Nếu so sánh với các nước lân cận châu Á thì GDP quý I/2023 của Việt Nam xếp thứ 2 sau Trung Quốc, trước Singapore và Hàn Quốc. “Kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự đoán tăng trưởng suy yếu do tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I được đánh giá là khả quan”, ông Chung Jae Hoon nói.
Tuy nhiên, với con số tăng trưởng 3,32% trong quý I/2023 thì sẽ thách thức khá lớn cho nền kinh tế Việt Nam để đạt được mục tiêu 6,5% trong năm 2023.
Thời gian qua Chính phủ đã ban hành một loạt giải pháp để vực dậy nền kinh tế. Thứ nhất, về chính sách tiền tệ, giảm lãi suất điều hành, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng với nhà ở xã hội, quy định về cơ cấu thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, cho phép các tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp, điều chỉnh tỉ lệ an toàn vốn.
Thứ 2, về chính sách tài khóa, Chính phủ cũng đã tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các dự án trọng điểm quốc gia, dự án địa phương, đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, đề xuất giảm thuế VAT và hoãn giảm thuế các loại thuế khác, đồng thời sửa đổi các quy định cởi trói cho các lĩnh vực khó khăn như bất động sản. Các chính sách này được cho là kịp thời và tập trung vào những lĩnh vực khó khăn, qua đó góp phần vực dậy nền kinh tế.
“Do vậy, chúng tôi cho rằng tăng trưởng sẽ phục hồi dần vào quý II và tăng trưởng rõ rệt hơn kể từ quý III và quý IV, mức tăng trưởng dự báo trên 6% trong năm 2023”, ông Chung Jae Hoon kết luận.
Có thể bạn quan tâm