Hiệu suất sử dụng lao động của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Ảnh; Quý Hòa

 
Hải Vân Thứ Bảy | 19/05/2018 23:12

Nền kinh tế Việt Nam đang “quanh quẩn’’ với doanh nghiệp nhỏ

Nếu con số doanh nghiệp ngừng hoạt động gây ngạc nhiên thì tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh không có lãi thực sự gây sốc.

Báo cáo thường niên doanh nghiệp năm 2017-2018 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đúng thời điểm Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 năm 2018.

Quy mô doanh nghiệp đang nhỏ dần

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết: “Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam đang là vấn đề lớn. Năm 2017, chỉ một nửa số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh còn đang hoạt động, trong số doanh nghiệp đang hoạt động này, có đến 60% doanh nghiệp đang kinh doanh không có lãi”.

Chủ tịch VCCI nói rằng: “Những vấn đề cố hữu của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa được giải quyết, thậm chí còn diễn biến theo chiều hướng kém đi, trong khi quy mô của doanh nghiệp cũng đang nhỏ dần”.  

Thực trạng hiện nay cũng chỉ rõ năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết đánh giá của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới… đều nhận định rất sáng về môi  trường kinh doanh của Việt Nam.

Trong khi đó, để biết về mức độ cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng, Viện Phát triển Doanh nghiệp nói rằng “phải phải nhìn vào tình hình của doanh nghiệp”.

Trạng thái “bão hòa”

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng cho rằng: “Nền kinh tế của nước ta đang “quanh quẩn’’ trong khu vực doanh nghiệp nhỏ”. Theo bà, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 đang trước nguy cơ khó hiện thực hóa.

Nước ta đang kỳ vọng vào sự chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp, nhưng việc chuyển đổi này là không dễ dàng trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp ngừng giải thể vẫn luôn ở mức 50-60.000 doanh nghiệp trong những năm qua.

Việc doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể phản ánh “sức khỏe” doanh nghiệp, tính bền vững của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh đang biến động nhanh. Tuy nhiên, kể từ sau khi nền kinh tế phục hồi vào năm 2003, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể luôn ở mức trên 50.000 doanh nghiệp mỗi một năm, chiếm một nửa số doanh nghiệp đăng ký mới hàng năm.

Tình trạng ngừng hoạt động và giải thể này trong năm 2017 phổ biến ở hai khu vực.  Thứ nhất, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp cực nhỏ có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Thứ hai, trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, đây là khu vực rất sôi động, bao gồm số hộ kinh doanh cá thể có đăng ký mã số.

Một điểm, Viện trưởng, Viện Phát triển Doanh nghiệp nói “chưa thể lý giải”, đó là số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể tập trung lớn ở vùng Đông Nam Bộ. Bà nói  “rất cần nghiên cứu thêm”.

Thậm chí, đang diễn ra trạng thái “bão hòa” trong hoạt động kinh. Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động ngày càng giảm đi. Tính đến tháng 12.2017, số doanh nghiệp đang hoạt động chỉ là 561.000 doanh nghiệp và tiếp tục xu hướng giảm đi.

Hiện, quy mô vốn của doanh nghiệp tăng nhưng quy mô về lao động lại giảm. Năm 2017, trung bình một doanh nghiệp có 29 lao động, nhưng sang năm nay chỉ còn 28 lao động, trong khi vào năm 2007, nước ta có 49 lao động.

Điều này, có thể là sự chuyển biến theo hướng phù hợp với nền kinh tế số, theo lý giải của các nhà hoạch định chính sách. Nhưng Tiến sĩ Hằng nói: “Vẫn có nhiều điều cần quan tâm”. Bà cho đó là tình trạng luẩn quẩn của doanh nghiệp, đăng ký thành lập xong rồi giải thể, thành lập xong rồi lại giải thể…

Nen kinh te Viet Nam dang “quanh quan’’ voi doanh nghiep nho

Đặc biệt, “sự trái chiều” trong việc tăng quy mô thể hiện rất rõ, theo Tiến sĩ Hằng. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp nhỏ, cực nhỏ xét theo tiêu chí lao động. Nhưng Việt Nam cũng có doanh nghiệp vừa và lớn xét theo tiêu chí vốn, trong khi đây là hai tiêu chí quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Thêm nữa, từ 10 năm qua hiệu suất sử dụng lao động trong doanh nghiệp cũng không được cải thiện theo thời gian, thậm chí đang giảm đi. Đó là sự trăn trở khi vấn đề năng suất được xác định là thút thắt của nền kinh tế.

Với thực trạng doanh nghiệp đã có nhiều cảnh báo. Tuy nhiên, với những con số cụ thể về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng, Viện Phát triển Doanh nghiệp khuyến cáo các nhà hoạt định chính sách cần lưu ý để thiết kế ra những chính sách phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.