Nên gọi chính xác tên giàn khoan để tránh Trung Quốc “lật lọng”
Về tên chính xác của giàn khoan, phân tích của tác giả blog chỉ rõ: Trung Quốc đặt tên tầu này là “海洋石油981”, đọc theo âm Hán Việt là: “Hải dương Thạch du 981”, theo Bính âm là: “Háiyáng Shíyóu 981”, theo tiếng Anh là: “Offshore Oil 981”, có nghĩa là “giàn thăm dò dầu khí ngoài khơi”.
Do vậy, nếu viết tắt từ bính âm thì phải là “HYSY 981” nhưng người Trung Quốc không có truyền thống dùng bính âm để gọi tên riêng nên không viết tắt là “HYSY 981” mà gọi tắt đây là tàu “海油981” (tức “Hải du” 981), viết tắt theo tiếng Anh là “CNOOC 981”.
Chúng ta gọi tắt tàu này là "HD 981" nếu tra trên mạng chỉ có Việt Nam và những trang bằng tiếng Việt hiểu được.
Trường hợp âm Hán Việt để viết tắt thì không phải là “Hải dương” như một số thông tin thường gọi mà là Hải du, trong đó: 海 “Hải” là Bể; 油 “du” là “Dầu, là những chất lỏng mà có thể đốt cháy được” mới phản ánh được bản chất con tàu.
Do vậy, theo ông Mến, chúng ta không nên viết là HD 981 mà gọi tên tàu này theo âm Hán Việt nói tắt danh xưng “Hải dương Thạch du 981” thành “Hải du 981” như vẫn gọi tầu Hải giám 海监, Hải cảnh 海警 hay gọi tắt bằng tiếng Anh là “CNOOC 981”.
Ông Mến nhấn mạnh: "Điều này tạo ra sự thống nhất trong một bài viết hay với thông lệ quốc tế và tránh được ý nại ra của Trung Quốc rằng họ “không có tàu HD 981”.
Thông tin chi tiết về "Hải du 981"
Tác giả blog cho biết, đây là tàu khoan dầu ngoài khơi lớn nhất của Trung Quốc và là thế hệ tàu khoan thứ 6 với công nghệ chế tạo và trang bị tiên tiến giá trị hơn 6 tỷ NDT và mất 3 năm để chế tạo.
Tàu “nửa chìm nửa nổi” này có tự trọng hơn 31.000 tấn, nó được sử dụng cho các lĩnh vực khoan thăm dò, khoan sản xuất dầu khí ngoài biển.
Con tàu này có chiều dài 114m, rộng 90m và cao 137,8m, diện tích lớn hơn một sân bóng đá tiêu chuẩn và có người ví như một “Tàu sân bay”, “Hàng không mẫu hạm”.
Nó hoạt động ở độ sâu tối đa 3.050m và độ sâu khoan tối đa 12.000m.
Giàn khoan nước sâu khổng lồ này được chính thức đưa vào hoạt động vào ngày 9/5/2012 khi tiến hành khoan trên biển lần đầu tiên tại một vị trí trên Biển Đông, cách Hồng Kông 320km.
Khi đó, có không ít người cho rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan này vào thăm dò và khoan dầu tại những vị trí đang tranh chấp hay thuộc chủ quyền của một số nước ở Biển Đông.
Nay thì sự việc đang diễn ra đúng như vậy, CNOOC 981 được giao nhiệm vụ tác nghiệp tại vùng Biển Đông mà Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa.
Chủ nhân của Giàn khoan HD 981 là Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (viết tắt là CNOOC) được thành lập năm 1982.
CNOOC là một trong 116 doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý của Ủy ban Giám sát và Quản trị Tài sản nhà nước của Quốc vụ viện.
Với vốn đăng kí là 50 tỉ Nhân dân tệ và tạo công ăn việc làm cho hơn 98.750 người, Tổng Công ty này được một tạp chí xếp thứ 93 trong số 500 tập đoàn, công ty có doanh thu lớn nhất trên thế giới, thậm chí được xếp trên hai hãng nổi tiếng là Sony (thứ 94, doanh thu 81.9 tỷ) và Boeing (thứ 95, doanh thu 81.7 tỷ).
Nó có 2 Công ty con là: CNOOC Limited có niêm yết tại Sở giao dịch Hồng Kông và China Oilfield Services niêm yết ở cả Sở giao dịch Hồng Kông và Sở giao dịch chứng khoán New York.
Dù bị xếp sau Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC) và Sinopec trong lĩnh vực dầu khí, CNOOC là công ty lớn nhất ở Trung Quốc trong lĩnh vực tìm kiếm, khai thác dầu khí ở ngoài khơi.
Ngoài việc phát triển, trang bị kỹ thuật hiện đại, CNOOC còn tìm cách ký kết các hợp đồng (mua bán, hợp tác) với nhiều công ty khác trên thế giới để thăm dò, khai thác dầu khí.
Giới phân tích cho rằng, ngoài việc tìm kiếm thêm một nguồn năng lượng cho Trung Quốc trong cơn khát dầu, CNOOC còn muốn tiếp cận kỹ thuật hiện đại để có thể tiến hành thăm dò và khoan dầu tại những địa điểm sâu ở Biển Ðông.
Hiện nay, CNOOC được trang bị các phương tiện, kỹ thuật hiện đại có thể tiến hành thăm dò, khoan dầu ở những vị trí rất sâu ngoài khơi mà Giàn khoan HD 981 là một ví dụ.
Nguồn BizLive