Nâng trần bội chi ngân sách:Tăng tổng cầu để khuyến khích đầu tư
Nguồn thu sụt giảm, song Chính phủ lại đề nghị nâng trần bội chi ngân sách từ mức 4,8% lên mức 5,3% GDP cho năm tài khóa 2013 và 2014 khiến nhiều chuyên gia tài chính đặt câu hỏi: trong bối cảnh hụt thu NSNN, đề xuất này liệu có phá vỡ mức an toàn nợ công quốc gia?
Giải pháp ngắn hạn kích thích kinh tế
Theo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2014 vừa được Quốc hội (QH) thông qua, mức bội chi NSNN là 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP. QH cũng thông qua Nghị quyết về điều chỉnh dự toán NSNN năm 2013, đồng ý nâng mức bội chi NSNN năm 2013 để bù đắp số hụt thu ngân sách trung ương, nhưng không quá 195.500 tỷ đồng (tương đương 5,3% GDP ước thực hiện). Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu nâng mức bội chi năm 2013 từ 4,8% lên mức 5,3% GDP, chi NSNN sẽ tăng thêm 33.500 tỷ đồng so với dự toán. Dư nợ công tính tới cuối năm 2013 ước 56,2% GDP, dư nợ Chính phủ là 42,6% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia 39,5% GDP. Việc nâng mức bội chi NSNN năm 2014 lên 5,3% dự kiến sẽ khiến dư nợ công đến hết năm 2014 khoảng 59,8% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 46,2% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,4% GDP.
Nhận xét về việc nâng trần bội chi trong bối cảnh nguồn thu NSNN sụt giảm mạnh, TS Vũ Nhữ Thăng - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, ngay từ đầu năm 2013, Chính phủ đã chủ động có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (SXKD), hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, thúc đẩy cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, kinh tế vẫn phục hồi chậm, SXKD của DN trong những tháng gần đây tuy đã được cải thiện nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các chính sách miễn, giãn, giảm thuế hỗ trợ DN và nền kinh tế đã ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách. Vì thế, tiến độ thu NSNN năm 2013 chậm hơn so với yêu cầu dự toán, khả năng hụt thu là hiện hữu. Nhưng nhu cầu chi ngân sách cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH lại gia tăng trong hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Trong những tháng đầu năm, khi tốc độ thu NSNN có dấu hiệu giảm, Chính phủ đã chủ động tiết kiệm và cắt giảm hoặc lùi thời hạn đối với các khoản chi chưa thực sự cần thiết, nhưng tốc độ giảm chi vẫn thấp hơn tốc độ thu, nên ngân sách vẫn tăng bội chi. Đây chính là lý do khiến không ít ý kiến lo ngại rằng, việc nâng trần bội chi NSNN trong năm 2013-2014 sẽ tác động đến tính bền vững tài khóa và an ninh tài chính quốc gia. Bởi tăng bội chi NSNN kéo dài nhiều năm sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ, tăng mức dư nợ công. Tuy nhiên TS Vũ Nhữ Thăng khẳng định, các chỉ số trên vẫn nằm trong giới hạn an toàn nợ công. Việc nâng trần bội chi chỉ là giải pháp ngắn hạn trong bối cảnh tổng đầu tư xã hội có xu hướng giảm. Nếu xét trong điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại và dự báo năm 2014-2015, việc đề xuất nâng trần bội chi là cần thiết. Bởi hiện nay, tổng cầu vẫn đang yếu, đầu tư xã hội giảm, DN gặp nhiều khó khăn, mức độ cải thiện việc làm chưa đạt mục tiêu. Trong khi đó, Chính phủ đã sử dụng các công cụ thuế nhằm thu hút và khuyến khích đầu tư, phát triển DN, nhưng cần có thời gian để phát huy tác dụng. Việc tăng đầu tư trong ngắn hạn thông qua vay nợ là một giải pháp để phục hồi tăng trưởng, bởi việc tăng bội chi để tăng chi đầu tư từ nguồn ngân sách, kể cả trái phiếu chính phủ (TPCP) cho các dự án trọng điểm sẽ tạo sức lan tỏa lớn tới nền kinh tế, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, tích lũy, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách
Theo các chuyên gia kinh tế, việc nâng trần bội chi NSNN trong năm 2013-2014 là cần thiết, kịp thời để hỗ trợ tổng cầu trong nền kinh tế và từ năm 2015 sẽ điều chỉnh để giảm dần tỷ lệ bội chi. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng vốn và có phương án cân đối nguồn trả nợ, Chính phủ cần bảo đảm nguyên tắc chỉ sử dụng nguồn vốn tăng thêm này cho đầu tư phát triển. Trước hết cần cơ cấu lại chi NSNN theo hướng bảo đảm chi cho con người, ưu tiên an sinh xã hội, bố trí chi đầu tư phát triển gắn với tái cơ cấu đầu tư công. Quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch trong phân bổ vốn cho từng dự án cụ thể theo ưu tiên chiến lược. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chống thất thu, gian lận thuế, tạo điều kiện tăng thu NSNN để có nguồn xử lý giảm bội chi. Việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý chi tiêu phải thực hiện đồng bộ với tăng cường quản lý đầu tư từ NSNN, TPCP, đồng thời phối hợp hài hòa chính sách tài khóa - tiền tệ nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, huy động được nguồn lực cho đầu tư công và thúc đẩy đầu tư tư nhân.
Tại phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ vừa diễn ra ngày 21-11, vấn đề nâng trần bội chi NSNN cũng đã được nhiều đại biểu QH đặt ra với lo ngại: liệu lạm phát cao có quay trở lại và kinh tế vĩ mô có được giữ ổn định? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc tăng bội chi trong năm 2014 và phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng TPCP là một trong số những giải pháp đồng bộ nhằm giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% trong năm 2014, 6% năm 2015 và kiểm soát lạm phát 7%. Thực hiện tốt những giải pháp này, chúng ta sẽ giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, trả được nợ, bảo đảm nợ công quốc gia trong giới hạn an toàn.
(Theo Hanoimoi)