Ảnh: T.L
Năng suất lao động Việt Nam tăng 2,5 lần sau 10 năm
Tại Hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), số liệu công bố cho thấy, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tại Việt Nam trong vòng 10 năm (2011-2020) đạt 6,0%, trong đó, giai đoạn 2011-2015 đạt 5,5% và giai đoạn 2016-2020 đạt 6,4% (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5,0%).
Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ ra rằng năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và chênh lệch có xu hướng gia tăng. Cụ thể, trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, mặc dù năng suất lao động thấp nhưng tốc độ tăng tăng tương đối cao do quá trình chuyển dịch cơ cấu.
Trong khi đó, năng suất lao động của khu vực công nghiệp-xây dựng thấp và không ổn định, chủ yếu do tham gia ở phân khúc giá trị gia tăng thấp và sử dụng nhiều lao động, chưa thể hiện vai trò dẫn dắt và thúc đẩy tăng trưởng. Năng suất lao động của khu vực dịch vụ giữ xu hướng tăng nhưng thiếu ổn định và dựa nhiều vào các ngành dịch vụ truyền thống.
Đáng lưu ý, tốc độ tăng năng suất lao động có xu hướng giảm dần, các địa phương “dẫn dắt” trong vùng chưa phát huy hết vai trò lan tỏa, chưa đóng vai trò thúc đẩy và lôi kéo tăng trưởng của vùng.
Đối với các vùng kinh tế trọng điểm, năng suất lao động không đồng đều, tập trung ở một số thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu...) và chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và phía Nam.
Bên cạnh đó, năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp đạt 309,9 triệu đồng/lao động năm 2020, tăng 93,1% so với năm 2011 song mức chênh lệch năng suất lao động giữa các loại hình doanh nghiệp ngày càng tăng. Nhiều rào cản đối với doanh nghiệp trong thúc đẩy năng suất lao động đã xuất hiện như sự bất định khi đầu tư vào công nghệ, năng lực đổi mới phản ánh qua chất lượng quản lý còn yếu kém, lực lượng lao động thiếu những kỹ năng cần thiết và thiếu nguồn vốn đầu tư.